Thoả thuận trọng tài (“TTTT”) là một trong những nội dung quan trọng mà bất kỳ bên nào tham gia vào giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài đều cần phải lưu ý.
Trong bài viết này, tác giả sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan đến Thoả thuận trọng tài và những lưu ý đối với doanh nghiệp khi tham gia vào giải quyết tranh chấp, đặc biệt là giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại quốc tế.
Nội dung chính
Thoả thuận trọng tài là gì?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Luật Trọng tài thương mại 2010, thì “Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh”.
Các nước trên thế giới cũng có những quy định khác nhau về TTTT, với câu chữ và cách trình bày khác nhau, nhưng tựu trung lại, có nội hàm cơ bản tương tự với định nghĩa trên đây của Luật Trọng tài thương mại.
Thoả thuận trọng tài có những nội dung gì?
Bất kỳ TTTT nào cũng cần có các nội dung cơ bản gồm: Tên Trung tâm trọng tài thương mại mà các bên muốn sử dụng; số lượng trọng tài viên; địa điểm trọng tài; ngôn ngữ trọng tài; quy tắc tố tụng trọng tài.
Không có thoả thuận trọng tài thì sao?
Đối với các hợp đồng lựa chọn pháp luật Việt Nam là luật áp dụng thì tranh chấp sẽ phải giải quyết tại Toà án nếu các bên không có TTTT hoặc TTTT bị coi là vô hiệu. Nói cách khác, nếu các bên muốn tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài thì các bên phải lập TTTT và TTTT đó phải có hiệu lực.
Thoả thuận Trọng tài được lập bằng hình thức nào và vào khi nào?
Các bên có thể lập TTTT tại thời điểm kí kết hợp đồng bằng cách ghi thành một điều khoản trong hợp đồng, hoặc lập thành một văn bản riêng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thậm chí, khi phát sinh tranh chấp mà chưa có bên nào đưa sự việc ra giải quyết tại một cơ quan tài phán, thì các bên vẫn có thể thoả thuận và thiết lập một TTTT.
Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Trường hợp nào thì Thoả thuận trọng tài bị vô hiệu?
Theo quy định tại Điều 18, Luật Trọng tài thương mại 2010, thì TTTT vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
- Người xác lập TTTT tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập TTTT không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của TTTT không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập TTTT và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- TTTT vi phạm điều cấm của pháp luật.”
Một số lưu ý khi soạn thoả thoả thuận trọng tài?
Thoả thuận trọng tài có nội dung ngắn gọn, đơn giản, thể hiện ý chí của các bên nhằm xác lập quyền tài phán cho Trọng tài khi có tranh chấp giữa các bên phát sinh. Nội dung của thoả thuận trọng tài khá tường minh nhưng cần đầy đủ nên không đòi hỏi quá nhiều về kiến thức pháp luật hay kĩ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán và soạn thảo hợp đồng, các bên nên lưu ý một số vấn đề sau đây để xác lập một TTTT có hiệu lực và hiệu quả.
Thứ nhất, TTTT nên có đầy đủ các nội dung như nêu trên đây. Việc thiếu bất kỳ nội dung nào có thể dẫn tới tranh chấp giữa các bên liên quan đến thẩm quyền và thủ tục tố tụng trọng tài. Nghiêm trọng hơn, việc thoả thuận trọng tài không đầy đủ các nội dung có thể dẫn tới tình trạng không thể thực hiện được.
Một ví dụ điển hình mà cá nhân tôi đã trực tiếp gặp phải là các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài nhưng không nêu trên Trung tâm trọng tài nào. Trong trường hợp này, cần phải xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Trọng tài thương mại 2010 về xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài:
- “Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.
- Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện Hội đồng trọng tài vượt quá thẩm quyền, các bên có thể khiếu nại với Hội đồng trọng tài. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm xem xét, quyết định.
- Trường hợp các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài khác; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
- Trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế; nếu không thỏa thuận được, thì có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
- Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”.
Thứ hai, việc lựa chọn Trung tâm trọng tài, ngôn ngữ trọng tài nên có sự thống nhất với Luật áp dụng.
Các bạn đã biết rằng, trong hợp đồng thương mại quốc tế, các bên có quyền thoả thuận lựa chọn Luật áp dụng là pháp luật của một Quốc gia bất kỳ. Tuy nhiên, mỗi hệ thống luật lại có những đặc điểm riêng. Do đó, khi lựa chọn Trung tâm trọng tài, nên lựa chọn áp dụng cơ quan có kinh nghiệm xét xử các vụ kiện có tính chất tương tự.
Thứ ba, lựa chọn địa điểm xét xử trọng tài trong TTTT nên cân nhắc tới các yếu tố liên quan đến khả năng huỷ phán quyết trọng tài về sau.
Thông lệ chung, pháp luật nơi có địa điểm trọng tài sẽ là pháp luật điều chỉnh vấn đề về huỷ phán quyết trọng tài. Ví dụ: Một Doanh nghiệp VIệt Nam kí kết Hợp đồng mua bán hàng hoá với Doanh nghiệp Hàn Quốc, các bên lựa chọn địa điểm trọng tài là Singapore, với Trung tâm trọng tài là SIAC, thì khi xem xét vấn đề huỷ phán quyết trọng tài, pháp luật Singapore sẽ được sử dụng để làm cơ sở pháp lý để huỷ phán quyết, và Toà án Singapore sẽ là cơ quan có thẩm quyền xem xét việc huỷ phán quyết hay không. Nếu các bên lựa chọn địa điểm xét xử là Việt Nam (Cho dù vẫn chọn SIAC và quy tắc tố tụng của SIAC) thì pháp luật Việt Nam sẽ được sử dụng làm cơ sở pháp lý xem xét huỷ phán quyết.
Tác giả:
Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco
Email: phong.ha@intecovietnam.vn
Điện thoại: 0968183786
Bài viết cùng tác giả trong cùng chủ đề:
Nhược điểm của trọng tài thương mại quốc tế
Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại Quốc tế
Lợi ích của Trọng tài thương mại đối với doanh nghiệp