Vì sao start up thất bại?

Start up thất bại bởi nguyên nhân gì?. Đây là câu hỏi đặt ra không chỉ với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp mà còn cả đối với nhà quản lý. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một Luật sư, chuyên gia tài chính để lý giải sự thất bại của một số start up. Dĩ nhiên, đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề mà không phản ảnh tất cả lý do. Bạn cũng có thể có những lí giải khác về lí do tại sao start up phải tăng giá dịch vụ hay phải tìm cách thâu tóm và mua lại đối thủ…

Quy mô lớn và mô hình kinh doanh, vấn đề đặt ra cho start up thành công và start up thất bại.

Sự thành công của những gã khổng lồ như Facebook, Twitter, Uber, Grab, Telsa trên thế giới, hay Tiki, VNPay ở Việt Nam gợi cảm hứng bất tận cho những người khởi nghiệp trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khi nói tới thành công, chúng ta dễ nhận thấy rằng, đó là sự phát triển trên quy mô lớn về người dùng và những chỉ số tài chính khổng lồ liên quan đến số vốn đầu tư, doanh thu và cả những khoản lỗ, với tầm ảnh hưởng rộng với thị trường tiêu dùng và nền kinh tế, nhưng không khẳng định sự thành công nếu xem xét theo cách của những mô hình kinh doanh truyền thống liên quan tới khía cạnh về lợi nhuận. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu về những mô hình này đã chỉ ra rằng, khác biệt với những mô hình kinh doanh truyền thống, các start up nêu trên có mô hình kinh doanh khá phức tạp, là sự tổng hợp và đan xen nhiều yếu tố của kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng và quan trọng nhất, tất cả trong số đó đều dựa vào sự phát triển của Internet. Đó không phải là sự số hóa các mô hình kinh doanh truyền thống, mà là những mô hình kinh doanh mới hình thành trên cơ sở cuộc sống đã được số hóa.

Bên cạnh những cảm hứng từ start up thành công, thì số start up thất bại như Wework (nền tảng chia sẻ văn phòng làm việc) hay Theranos (công nghệ thử máu nhanh) trên thế giới, và wefit (Ứng dụng kết nối phòng gym) tại Việt Nam trong thời gian qua cũng để lại nhiều bài học cho người đi sau. Kinh nghiệm rút ra từ start up thất bại có rất nhiều và rất khác nhau giữa các start up, từ hệ thống quản trị, từ sự thất bại của người đứng đầu và đặc biệt là sự rời bỏ của các nhà đầu tư.

Start up thất bại vì hết nguồn gọi vốn?

Các mô hình start up tăng trưởng trên cơ sở gọi vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư thiên thần và để có thể gọi vốn, start up phải chứng minh khả năng tăng trưởng với tốc độ cao và quy mô thị trường lớn. Qua nhiều vòng gọi vốn, start up huy động được số vốn lớn và càng làm cho quy mô doanh nghiệp lớn lên với tốc độ thần kỳ. Các start up không huy động kịp và đủ số vốn trước khi đạt quy mô thị trường ở điểm hòa vốn sẽ rất dễ bị thất bại và phá sản. Dĩ nhiên là số vốn đầu tư sẽ không thể lớn mãi và các nhà đầu tư sẽ không thể tiếp tục bỏ vốn một cách trường kỳ, nên doanh nghiệp sẽ phải tự tính toán cho mình mục tiêu về quy mô để đảm khả năng hoàn vốn trước khi nhà đầu tư ngừng tiếp tục bơm tiền đầu tư. Trong giai đoạn trước khi đạt đến quy mô hòa vốn, các start up này liên tục bị lỗ, với con số lỗ lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm, nên giai đoạn này cũng có thể coi là giai đoạn đốt tiền.

Trong giai đoạn đốt tiền này, start up sử dụng tiền của nhà đầu tư để khuyến mãi, quảng cáo, tiếp thị … để tìm kiếm và mở rộng số lượng người dùng, mở rộng quy mô thị trường. Thực chất số tiền doanh thu thu về trên mỗi người dùng không phản ánh đúng khả năng kinh doanh bởi số tiền đầu tư vào trợ giá và thu hút người dùng là rất lớn. Chúng ta dễ nhận thấy điều này qua những ví dụ thực tiễn, như các hãng xe công nghệ liên tục thưởng cho tài xế, hoặc tặng khách hàng những cuốc xe miễn phí hoặc giảm giá sâu.

Start up thất bại vì nhà đầu tư hết kiên nhẫn?

Về phía nhà đầu tư, họ kỳ vọng thu hồi vốn và kiếm được một khoản tiền lãi không phải từ việc doanh nghiệp vượt qua điểm hòa vốn và có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, tức là bản thân họ cũng không mong chờ vào cổ tức được chia sau mỗi năm tài chính. Nhà đầu tư mạo hiểm kỳ vọng vào doanh nghiệp tăng trưởng tới quy mô lớn để có thể niêm yết trên sàn chứng khoán và nhà đầu tư sẽ kiếm lợi từ sản chứng khoán. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, lợi tức của nhà đầu tư mạo hiểm thực chất là lấy từ nguồn tiền đầu tư của nhà đầu tư khác. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là luôn giữ vững khả năng tăng trưởng và uy tín trên thị trường để giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán không bị mất giá.

Tuy vậy, quy mô thị trường nào cũng sẽ đạt tới điểm tới hạn và nguồn vốn đầu tư sẽ không lớn mãi, nên khi đạt tới một quy mô nhất định, doanh nghiệp sẽ phải chú trọng và chuyển dần mô hình tăng trưởng về mô hình truyền thống, là dựa trên doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm tối đa các khoản chi phí, tối ưu hóa mọi nguồn doanh thu để có thể đạt tới điểm hòa vốn, và tiến tới có lợi nhuận đạt mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có quá nhiều khó khăn vì dịch Covid19, các nhà đầu tư đang trở nên khó tính hơn và đưa ra nhiều yêu cầu hơn, nên các start up đang phải ra sức xoay xở để đảm bảo khả năng sinh tồn, nhưng cũng phải chiều lòng các nhà đầu tư, cổ đông. Có khả năng, nhiều start up đã phải điều chỉnh lại mục tiêu, đẩy thời gian đạt điểm hòa vốn và có lợi nhuận sớm hơn. Những biểu hiện gần đây của một số hãng xe công nghệ và mạng xã hội cho thấy rằng, những doanh nghiệp đó đang chịu sức ép với những thực tế như vậy. Start up không thể liên tục lỗ nặng trong thời gian tới bởi nguồn tiền từ nhà đầu tư không còn, nên buộc phải kiếm đủ nguồn thu để bù chi, và giữ vững giá trị trên sàn chứng khoán.

Tôi tin rằng, nhiều start up khác đang sống bằng tiền đầu tư từ nhà đầu tư cũng sẽ phải sớm điều chỉnh lại hướng đi của mình để tồn tại và tiếp tục phát triển. Thực chất, thì vẫn phải là quay về mô hình truyền thống, dựa trên doanh thu và lợi nhuận để tồn tại.

Start up thất bại vì đốt tiền?

Ở một khía cạnh khác, việc các start up đốt tiền vào các chiến dịch quảng bá, khuyến mại, giảm giá … còn nhằm mục đích triệt tiêu đối thủ, tiến tới chiếm thế độc quyền thị trường. Họ có thể làm được điều đó, bởi có năng lực về tài chính rất lớn từ các nhà đầu tư và đây mới thực sự là cuộc chơi của những ông lớn. Khi chiếm được thế độc quyền về thị trường, thì họ sẽ phải tăng giá, cắt hết các khoản chi trợ giá và ưu đãi để có thể thu hồi tiền đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận.

Có ý kiến cho rằng, liệu có phải Grab là một điển hình của xu hướng như vậy, nên thời gian qua đã có những động thái quyết liệt trong việc tăng giá dịch vụ, tăng tỷ lệ khấu trừ từ tài xế hay không?. Tôi cho rằng, chưa có đủ cơ sở để có thể kết luận về Grab. Bản thân Grab là một start up kỳ lân, tiềm lực tài chính mạnh về được chống lưng bởi những đại gia tài chính và công nghệ lớn trong khu vực Châu Á, nên họ có thể có sức mạnh dài hơi hơn. Việc tăng giá cũng có thể là sự điều chỉnh về mặt chiến lược theo lộ trình đã chuẩn bị sẵn hoặc để thích nghi với hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, có vài thứ có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, đó là việc tăng giá đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như quyền lợi của tài xế.


Trên đây là một bài viết do đội ngũ Luật sư tư vấn của chúng tôi thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà đầu tư nước ngoài. Quý vị mong muốn nhận được các bài phân tích, nghiên cứu về thị trường, tài chính doanh nghiệp, có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Ngoài ra, quý vị có thể tham khảo thêm các dịch vụ như:

Rate this post