Tuân thủ pháp luật của quần chúng

Tuân thủ pháp luật không chỉ đơn giản là việc thực hiện đúng và theo các quy định của pháp luật, mà nó là sự biểu hiện của việc pháp luật có thực sự đi sâu vào quần chúng hay không. Mời bài viết tham khảo về vấn đề này qua một bài viết dưới đây, dưới góc nhìn của Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco.

Mấy ngày gần đây, khi một phần đường Lê Văn Lương (từ ngã tư giao cắt với Hoàng Minh Giám đến Khuất Duy Tiến – Hà Nội) bị rào chắn để xây dựng hầm chui, thì làn đường giành riêng cho xe buýt nhanh được chuyển thành làn đường hỗn hợp. Dù đường rất tắc vào giờ cao điểm, nhưng nhiều ô tô vẫn đi trên làn đường cũ, nên làn hỗn hợp vẫn thông thoáng hơn. Có một vài lần, tôi lái ô tô đi vào làn hỗn hợp, thì bị những tài xế bên cạnh tỏ thái độ khó chịu và khinh bỉ, giống thái độ của số đông giành cho những người phạm luật giao thông ở một số nước phát triển mà tôi đã chứng kiến. Sự tồn tại của làn riêng cho buýt nhanh trong mấy năm qua, cùng với việc tuyên truyền và thực thi pháp luật đã khiến việc chấp hành pháp luật giao thông trên đoạn đường này tốt hơn rất nhiều. Việc đi đúng làn đường đã bắt đầu trở thành phản xạ bản năng của nhiều tài xế ô tô. Và điều dễ nhận thấy, một khi thói quen tốt đã hình thành, thì cho dù làn đường đã thay đổi, nhiều tài xế cũng chưa dễ thích nghi ngay với sự thay đổi đó, cho dù sự thay đổi là đúng pháp luật.

Câu chuyện làn đường khiến chúng ta nhớ lại quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ tháng 12 năm 2007 hay xa hơn là quy định về cấm đốt pháo từ năm 1995. Những quy định pháp luật mới như vậy, có phạm vi ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và thay đổi những thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức rất nhiều năm của chúng ta, nên không hề dễ dàng. Cho đến hiện tại, có thể khẳng định là việc áp dụng quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm và cấm đốt pháo đã rất thành công.

Hành vi là sự biểu hiện ra bên ngoài của nhận thức, và nhận thức thế nào thì hành vi sẽ thực hiện theo như vậy. Nhưng, hành vi còn có tính phản xạ bản năng, tức là làm theo bản năng. Muốn hành vi tuân thủ pháp luật trở thành bản năng, cần phải “giác ngộ” nhận thức tuân thủ pháp luật và rèn luyện hành vi một cách lâu dài, ổn định. Trong công tác chấp hành pháp luật, có những cấp độ khác nhau liên quan đến nhận thức. Hành vi đúng pháp luật có thể xuất phát từ nhận thức đúng pháp luật. Cao hơn và sâu sắc hơn, hành vi đúng pháp luật xuất phát từ phản xạ bản năng tuân thủ pháp luật. Ở những nước văn minh và trình độ phát triển cao, và đặc biệt là ở những nước có ý thức kỷ luật cao như Nhật Bản hay Châu Âu, thì tuân thủ pháp luật là một phản xạ bản năng, nên những hành vi trái pháp luật luôn bị coi là ngược chiều và phản cảm. Ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật trong một bộ phận lớn của dân chúng chưa trở thành một phản xạ bản năng và mặc định trong ý thức, nên việc tuân thủ pháp luật còn khá tùy hứng, và việc vi phạm pháp luật vẫn còn là hiện tượng “rất bình thường” và không bị coi là phản cảm. Ở mặt biểu hiện xã hội, một khi hành vi bị coi là phản cảm, là bất bình thường thì mới bị xã hội lên án, coi thường và người có hành vi sẽ bị tẩy chay. Thái độ xã hội mới chính là chế tài xử lý nghiêm khắc nhất và hiệu quả nhất để răn đe và loại bỏ những hành vi vi phạm pháp luật ra khỏi xã hội.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đang nỗ lực xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, nhưng trên thực tế, vẫn còn một khoảng cách khá xa, bởi nhận thức về tuân thủ pháp luật và hành vi tuân thủ pháp luật chưa thực sự đầy đủ, ổn định và tương ứng với nỗ lực đó.

Một mặt, chúng ta chưa làm được một điều, là thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân về pháp luật. Dù không phải là tất cả, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân coi pháp luật là cái gì đó thuộc về chính quyền và của chính quyền, và pháp luật chưa phải là công cụ bảo vệ nhân dân, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Vẫn còn một phận người dân coi pháp luật là sự trói buộc, là làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân nên mọi cách để né tránh pháp luật, để lách luật và cố ý vi phạm pháp luật. Yếu tố quyết định khi cân nhắc khi thực hiện hành vi là lợi ích, nên chừng nào pháp luật chưa đứng về phía lợi ích, thì hiển nhiên sẽ đứng về phía thiệt hại và hệ quả là từ chối tuân thủ pháp luật. Có nhiều cách khác nhau để pháp luật trở thành “một phe” với lợi ích, đó là khi pháp luật giúp người dân tạo ra lợi ích hoặc bảo vệ lợi ích, hoặc pháp luật tạo ra một khả năng người dân phải chịu một cái giá đánh đổi lớn hơn lợi ích nếu không tuân thủ pháp luật.

Hệ thống pháp luật của chúng ta, đã làm được rất nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là tạo ra được những lợi ích thiết thực cho nhân dân và bảo vệ lợi ích cho nhân dân. Nhưng vì sao tuân thủ pháp luật vẫn còn chưa tốt?. Theo tôi, đó là vì chúng ta chưa làm cho nhân dân nhận thức một cách đầy đủ và đúng đắn về cái lợi, giá trị tốt đẹp của pháp luật và tuân thủ pháp luật. Một mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục, thiếu tính dự báo và trong một vài lĩnh vực hẹp, mang tính lợi ích nhóm nên thiếu độ tin cậy.

Bên cạnh đó, công tác thực thi và áp dụng pháp luật vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện hơn. Cách thực thi pháp luật theo kiểu chiến dịch, đầu voi đuôi chuột không thể tạo nên một thói quen hành xử đúng, không trở thành sự răn đe với những người vi phạm, không đủ áp lực để các chủ thể thay đổi thói quen và sắp xếp lại công việc, kế hoạch kinh doanh và cá nhân. Pháp luật thay đổi nhanh đến mức không đủ độ ổn định để trở thành nhận thức, nên việc đòi hỏi tuân thủ pháp luật trở thành phản xạ bản năng là điều bất khả thi. Người vi phạm vẫn nhởn nhơ và không bị trả giá một cách thích đáng khiến pháp luật bị nhờn, bị coi thường và bỏ qua trong mọi quá trình đưa ra quyết định của những người khác. Chính quyền đứng về nhân dân, nhưng nhiều cán bộ công quyền không thực sự đứng về nhân dân trong công tác thực thi pháp luật mà chỉ nhằm mục đích tư lợi hoặc vì thói quan liêu, dẫn tới những khoảng cách nhất định giữa nhân dân và chính quyền và thậm chí là sự nghi kị ở một số nơi, tạo ra sự “thiếu song trùng” giữa lợi ích nhân dân và lợi ích của Nhà nước.

Rông dài như vậy, tác giả chỉ muốn nói rằng, không phải chúng ta không thể làm được, mà chúng ta có thể làm tốt, thậm chí làm rất tốt công tác thực hiện pháp luật. Nếu lấy tuân thủ pháp luật làm một tiêu chí cụ thể đánh giá trình độ văn minh, thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để trở thành một Quốc Gia văn minh. Chúng ta không thể đổ lỗi cho quần chúng, và chúng ta cũng không thể ngồi đổ lỗi cho Nhà nước, mà điều cần làm, là hoàn thiện hơn một chút về công tác lập pháp và thực thi pháp luật để tuân thủ pháp luật trở thành phản xạ bản năng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, trong tham gia giao thông hay trong bất kỳ lĩnh vực khác. Nhân dân luôn là nền tảng và quyết định sự sống còn và phát triển của Nhà nước, nhưng tự thân quần chúng không thể trở thành một Quốc Gia văn minh nếu thiếu sự lãnh đạo và quản lý của Nhà nước.

Luật sư Hà Huy Phong

Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco

Rate this post