Trọng tài thương mại quốc tế và những điều cần biết!

Trọng tài thương mại quốc tế là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, có thẩm quyền xét xử các vụ việc tranh chấp phát sinh từ các quan hệ tư pháp quốc tế theo yêu cầu của các bên.

Trong thực tiễn thương mại quốc tế hiện nay, các tranh chấp xảy ra trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng khá phổ biến. Các tranh chấp đó, có thể xuất phát từ một số nguyên nhân chính như: các bên có cách hiểu và vận dụng khác nhau các quy định của hợp đồng, một trong số các bên vi phạm nghĩa vụ của mình theo hợp đồng một cách rõ ràng nhưng các bên không thống nhất được với nhau về cách thức xử lý, phát sinh các sự kiện ngoài dự liệu của các bên nên không có quy định hợp đồng điều chỉnh. Do đó, các bên có nhu cầu viện dẫn tới một bên thứ ba để đứng ra làm trung gian để phân xử và đưa ra quyết định cuối cùng.

Vậy tại sao các bên không lựa chọn Tòa án làm phương thức giải quyết tranh chấp?

Lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là quyền tự do của các bên khi thương lượng và ký kết hợp đồng. Các bên có quyền lựa chọn phương thức giải quyết trtanh chấp tại Tòa án hoặc Tại Trung tâm trọng tài quốc tế; và hai phương thức này có tính thay thế lẫn nhau. Nghĩa là nếu các bên đã lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế thì Tòa án buộc phải từ chối thụ lý giải quyết. Nếu các bên lựa chọn Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp thì Trung tâm trọng tài phải từ chối thụ lý vụ việc.

Trong tư pháp quốc tế, các bên có xu hướng lựa chọn Trọng tài quốc tế bởi nhiều lý do, mà trong đó, các lý do cơ bản như: Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế đảm bảo thời gian nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và bảo mật thông tin tốt hơn. Một khía cạnh khác, giải quyết tranh chấp theo phương thức trọng tài sẽ đảm bảo tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên về thủ tục tố tụng trọng tài, về phạm vi và nội dung giải quyết, cũng như đảm bảo tính khách quan, chính xác. Tòa án là hệ thống thuộc bộ máy Nhà nước nên có xu hướng sử dụng quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết hơn là sử dụng kinh nghiệm, kiến thức và năng lực của hội đồng xét xử. Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại quốc tế, Hội đồng trọng tài bao gồm các Luật sư và chuyên gia được lựa chọn từ nhiều tổ chức khác nhau và theo yêu cầu của các bên, nên các Trọng tài viên không có quyền lực Nhà nước mà chỉ có quyền lực mềm về kiến thức, kĩ năng, sự vô tư và khách quan.

Các bên nên lưu ý điều gì khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại quốc tế?

Là một phương thức giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại quốc tế có độ mở rất cao cho các bên. Các bên có quyền tìm kiếm và chỉ định trọng tài viên để xử lý vụ việc, có quyền thỏa thuận về thời gian và thủ tục tố tụng trọng tài, có quyền thương lượng và hòa giải để xử lý các nội dung vụ việc ngay cả khi tiến trình tố tụng trọng tài đang tiến hành. Tuy nhiên, chính vì độ mở đó, tố tụng trọng tài có thể gây cho các bên sự bối rối nhất định nếu không có kinh nghiệm. Do đó, các bên có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ của Luật sư tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Thông thường, các bên sẽ lựa chọn Trọng thương mại quốc tế tài là phương thức giải quyết tranh chấp ngay trong quá trình đàm phán hợp đồng, và quy định thành một điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng đã ấn định phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, thì các bên cũng có thể thay đổi điều này bằng các lập phụ lục hợp đồng để điều chỉnh lại quy định của hợp đồng. Hoặc, trong trường hợp hợp đồng không có quy định về phương thức giải quyết tranh chấp, thì các bên cũng có thể thỏa thuận bổ sung về phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại quốc tế bằng một văn bản riêng. Nhìn chung, khi đệ đơn lên cơ quan trọng tài thương mại quốc tế, một trong những điều kiện bắt buộc là các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập thành một văn bản riêng hoặc bằng một điều khoản trong hợp đồng. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước thời điểm xảy ra tranh chấp hoặc sau thời điểm xảy ra tranh chấp.

Với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, thì Hội đồng xét xử do Tòa ấn định và các bên không có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, thì các bên có quyền lựa chọn và chỉ định trọng tài viên. Mỗi bên sẽ lựa chọn một trọng tài viên và các trọng tài viên sẽ bầu một trọng tài viên khác làm Chủ tịch hội đồng trọng tài. Các bên cần nghiên cứu kĩ danh sách trọng tài viên do Trung tâm trọng tài quốc tế niêm yết để tìm ra người có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn để làm trọng tài viên. Trọng tài viên phải tuyên thệ và cam kết về tính trung thực, khách quan và công tâm trong suốt thời gian xử lý vụ kiện.

Các bên lựa chọn trung tâm trọng tài quốc tế nào thì thủ tục tố tục sẽ tuân theo quy tắc tố tụng của trung tâm đó. Về cơ bản, quy tắc tố tụng trọng tài không quá phức tạp và chi tiết như quy định pháp luật về tố tụng tại Tòa án. Do đó, các bên cần nghiên cứu kỹ để thảo luận với nhau để đề xuất với Hội đồng trọng tài những vấn đề mà quy tắc tố tụng trọng tài không quy định. Các bên có quyền thỏa thuận để thay đổi một số nội dung trong quy tắc tố tụng trọng tài để áp dụng cho vụ việc của mình nếu được Hội đồng trọng tài đồng ý.

Mặc dù quy tắc tố tụng do Trung tâm trọng tài ban hành, nhưng luật áp dụng thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định về luật áp dụng và các bên cũng không thể tự thỏa thuận với nhau thì Hội đồng trọng tài có quyền xem xét và quyết định.

Về khía cạnh Luật áp dụng, các bạn có thể tham khảo Điều 14, Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:

“Điều 14. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp

Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.

Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp nói chung, và trọng tài thương mại quốc tế là phương thức giải quyết tranh chấp mà tranh chấp đó phát sinh từ quan hệ Tư pháp quốc tế, nghĩa là các quan hệ phát sinh có yếu tố nước ngoài. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là các Trung tâm trọng tài quốc tế chỉ được giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, mà có thể giải quyết cả các tranh chấp trong nước và tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Trung tâm trọng tài quốc tế được biết tới nhiều nhất tại Việt nam là Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt nam, bên cạnh Phương thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC). Tuy nhiên, tại Việt Nam có hơn 15 Trung tâm trọng tài Quốc tế được cấp phép hoạt động, và bạn có thể tìm kiếm danh sách 15 Trung tâm trọng tài này từ danh bạ của Bộ Tư pháp.

Trong các hợp đồng thương mại quốc tế, các bên có thể lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore, Hongkong hoặc London mà không nhất thiết phải lựa chọn một trung tâm trọng tài tại Việt Nam. Lựa chọn như thế nào để hợp lý, thì Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng sẽ phải cân nhắc và tư vấn cho khách hàng một cách đầy đủ và chi tiết, vì có liên quan đến nhiều yếu tố khác, như văn hóa, thói quan, nơi thực hiện hợp đồng và quyền lực của mỗi bên.

5/5 - (1 bình chọn)