Hiện nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi tắt là “Công ty TNHH”) là loại hình doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để thành lập và thông qua đó thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Vậy khi thành lập Công ty TNHH, nhà đầu tư cần lưu ý những thông tin gì về trình tự, thủ tục? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.
Nội dung chính
1. Thành lập Công ty TNHH một thành viên
1.1. Hồ sơ thành lập Công ty TNHH một thành viên
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu Phụ lục I-2 Thông tư số 02/0219/TT-BKHĐT)
– Điều lệ công ty.
– Bản sao hợp lệ Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo mô hình Chủ tịch công ty.
– Danh sách người đại diện theo ủy quyền (theo mẫu Phụ lục I-10 Thông tư số 02/0219/TT-BKHĐT) và bản sao hợp lệ Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý mô hình Hội đồng thành viên..
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân;
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
– Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
1.2. Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên như sau:
Tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
– Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng
+ Cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp/ người được cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền (sau đây gọi chung là “Người nộp hồ sơ”) kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký số vào hồ sơ đăng ký điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
+ Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, Người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Người nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
1.3. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh
+ Người nộp hồ sơ kê khai thông tin tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh.
+ Người nộp hồ sơ sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
+ Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký, Người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
+ Khi hồ sơ đã đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin sang cơ quan thuế để tự động tạo mã số doanh nghiệp. Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp từ cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo qua mạng điện tử cho doanh nghiệp về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
+ Sau khi nhận được thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Người nộp hồ sơ nộp một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và Thông báo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã hợp lệ đến Phòng Đăng ký kinh doanh. Người nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy và Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp qua đường bưu điện.
+ Sau khi nhận được hồ sơ bằng bản giấy, Phòng Đăng ký kinh doanh đối chiếu đầu mục hồ sơ với đầu mục hồ sơ doanh nghiệp đã gửi qua mạng điện tử và trao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp nếu nội dung đối chiếu thống nhất.
Trường hợp hồ sơ bằng bản giấy và hồ sơ doanh nghiệp đã gửi qua mạng điện tử là không thống nhất, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.
2. Hồ sơ và trình tự thực hiện thủ tục thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm các giấy tờ sau đây:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu Phụ lục I-3 Thông tư số 02/0219/TT-BKHĐT)
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (theo mẫu Phụ lục I-6 Thông tư số 02/0219/TT-BKHĐT)
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu của người thành lập doanh nghiệp là cá nhân (đối với công dân Việt Nam); bản sao chứng thực Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực (đối với người nước ngoài);
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Lưu ý: Trình tự thực hiện thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên là giống nhau.