Tranh chấp hợp đồng xây dựng

Tranh chấp hợp đồng xây dựng là loại tranh chấp khả phổ biến hiện nay, ẩn chứa rất nhiều yếu tố phức tạp. Để hỗ trợ doanh nghiệp có các giải pháp hiệu quả hơn khi ứng xử với loại tranh chấp này, bài viết đưa ra một số gợi ý để bạn đọc tham khảo.

Các loại tranh chấp hợp đồng xây dựng

Theo thống kê của cá nhân tôi trong gần 20 năm hành nghề, các tranh chấp hợp đồng xây dựng thường diễn ra trong một loại như sau:

Tranh chấp về thanh toán: Đối với loại tranh chấp này, sẽ có 02 loại gồm: tranh chấp đòi tiền đơn thuần do Nhà thầu khởi kiện chủ đầu tư hoặc nhà thầu phụ khởi kiện nhà thầu chính. Trong trường hợp này, các bên đã có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, thậm chí có biên bản đối chiếu công nợ, nhưng bên có nghĩa vụ không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thanh toán; tranh chấp thanh toán do chủ đầu tư, nhà thầu chính không nghiệm thu khối lượng hoàn thành.

Tranh chấp về tiến độ hoàn thành: Công trình bị chậm trễ về tiến độ có thể xuất phát từ nguyên nhân nhà thầu thi công chậm trễ hoặc do phát sinh khối lượng, thay đổi thiết kế theo yêu cầu của chủ đầu tư. Một số chủ đầu tư thường xuyên yêu cầu điều chỉnh thiết kế nhưng không cho nhà thầu gia hạn.

Tranh chấp về khối lượng hoàn thành: Khối lượng mà nhà thầu phải thực hiện được thể hiện rõ trong BoQ, được các bên thống nhất; nhưng thực tiễn xảy ra tranh chấp do Chủ đầu tư điều chỉnh hoặc Nhà thầu tự ý thay đổi. Đối với một số loại mẫu hợp đồng như hợp đồng FIDIC, NEC thì các vấn đề về thay đổi khối lượng được quy định riêng trong phần về Variation (Thay đổi), nhưng một số mẫu hợp đồng xây dựng tại Việt Nam hiện nay, nội dung này không được quy định rõ nên rất khó khăn khi xử lý tranh chấp.

Tranh chấp về chất lượng: Tranh chấp hợp đồng xây dựng liên quan đến chất lượng thường khó giải quyết bởi vấn đề về chất lượng chỉ diễn ra sau khi nghiệm thu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Trong một số trường hợp, các vấn đề về chất lượng được phát hiện trong giai đoạn thông báo sai sót, hoặc trong giai đoạn bảo hành. Cơ chế xử lý tranh chấp loại này phụ thuộc rất nhiều và các quy định trong hợp đồng xây dựng giữa các bên, bởi pháp luật không có các quy định cụ thể mà chỉ quy định một cách khái quát về nghĩa vụ chịu trách nhiệm của nhà thầu đối với chất lượng công trình.

Ứng xử như thế nào khi xảy ra tranh chấp hợp đồng xây dựng?

Tranh chấp hợp đồng xây dựng là loại tranh chấp phức tạp, thường có giá trị lớn, nên cần đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên.

Theo kinh nghiệm của tác giả, trong trường hợp các bên chỉ tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán đơn thuần (một cách nói khác của đòi nợ), thì có khả năng một bên sẽ thiếu thiện chí do cố tình trì hoãn hoặc từ chối việc thanh toán nhằm chiếm dụng vốn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các bên có bất đồng về cách hiểu, giải thích và áp dụng các thông lệ, quy định hợp đồng về tiến độ hoàn thành, về khối lượng được nghiệm thu ….. Trong trường hợp này, các bên nên có sự tham vấn lẫn nhau, và đặc biệt là nên mời một bên thứ ba có hiểu biết về lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là về pháp luật xây dựng để giàn xếp nhằm hoá giải tranh chấp.

Khi khởi kiện hoặc bị kiện, mỗi bên cần soát xét lại hồ sơ để xem xét phạm vi tranh chấp, giới hạn phạm vi các vấn đề và nội dung tranh chấp. Trong giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại, thì cơ quan phân xử chỉ thực hiện việc phân xử trong phạm vi mà nguyên đơn yêu cầu.

Tranh chấp là sàn diễn của các chuyên gia pháp lý, do đó, nên nhờ sự hỗ trợ của Luật sư tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật xây dựng. Lí do là khi tranh chấp, các bên sẽ sử dụng tối đa các quy định của hợp đồng, quy định pháp luật để cáo buộc hoặc chống lại nhau, nên việc am hiểu pháp luật và sử dụng các lập luận pháp lý là tiên quyết để bảo vệ được các quyền của mình.

Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Đối với tranh chấp hợp đồng xây dựng, có thể được giải quyết theo hình thức thương lượng, hoà giải hoặc giải quyết tại Toà án, hoặc Trung tâm trọng tài thương mại. Trong hệ thống pháp luật một số Quốc gia, tồn tại hình thức giải quyết tranh chấp qua Ban phân xử (DAB/ DAAB) và hình thức này được đưa ra trong mẫu hợp đồng FIDIC. Rất tiếc rằng, DAB, DAAB chưa được pháp luật Việt nam quy định nên nếu các bên sử dụng hình thức này, hiệu lực về thi hành không cao.

Hầu hết các tranh chấp về hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài (Nhà thầu là Doanh nghiệp nước ngoài, nguồn vốn do Ngân hàng nước ngoài tài trợ …) sẽ được giải quyết tại các Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế như SIAC, ICC ………… do đó, các bên tranh chấp cần yêu cầu sự hỗ trợ của các Luật sư thật sự có kinh nghiệm về các loại việc như vậy. Bằng chứng chứng minh kinh nghiệm của Luật sư thường là các hợp đồng tương tự.


Tác giả: Luật sư Hà Huy Phong

Luật sư Hà Huy Phong là Luật sư đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực pháp luật xây dựng, trực tiếp làm Luật sư trưởng trong các vụ tranh chấp về xây dựng tại các Toà án của Việt nam, Trung tâm trọng tài VIAC, ICC, SIAC …………

Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin hoặc yêu cầu Luật sư Hà Huy Phong hỗ trợ, có thể liên hệ theo số điện thoại 0903255339 hoặc email: phong.ha@intecovietnam.vn

5/5 - (1 bình chọn)