Trái phiếu doanh nghiệp là một chứng chỉ ghi nợ mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu phát hành và trao cho bạn. Mua trái phiếu hay gửi tiền tiết kiệm đều là hình thức cho vay, bạn cho một đơn vị khác vay tiền, và bạn trở thành chủ nợ. Các khoản nợ đó đều có kì hạn và có lãi suất. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay tiền của bạn để đầu tư và các dự án hoặc làm vốn để sản xuất, kinh doanh, còn ngân hàng thì vay tiền của bạn để cho vay lại kiếm lời.
Điểm khác nhau cần nhấn mạnh đầu tiên, đó là mức độ an toàn. Gửi tiền tiết kiệm thì đương nhiên là an toàn hơn nhiều so với mua trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng là một tổ chức tín dụng, được pháp luật quy định và quản lý rất chặt chẽ về điều kiện thành lập, hoạt động và quá trình vay vốn, nên khả năng ngân hàng bị phá sản trên thực tế hầu như rất ít xảy ra. Ở Việt nam chúng ta, chưa có trường hợp ngân hàng nào bị phá sản. Nếu bạn gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, gần như không có khả năng bị mất tiền gửi. Nhưng nếu bạn mua trái phiếu thì khả năng bị mất tiền là có thể có, bởi doanh nghiệp phát hành chỉ là một doanh nghiệp thông thường, pháp luật chỉ quy định về điều kiện và thủ tục phát hành trái phiếu mà không kiểm soát quá trình hoạt động của nó chặt chẽ như ngân hàng. Đổi lại khả năng rủi ro thì bạn phải chấp nhận tiền lãi suất thấp hơn nếu gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, và mua trái phiếu thì có lãi suất cao hơn nhưng rủi ro cao hơn.
Điểm khác biệt cơ bản thứ hai, là trái phiếu doanh nghiệp thì có thể có tài sản bảo đảm hoặc không có bảo đảm. Tức là doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản của mình để đảm bảo nghĩa vụ trả lại tiền mua trái phiếu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp phát hành đã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán hoặc cố tình gian lận thì tài sản bảo đảm cũng không có ý nghĩa gì nữa. Tuy nhiên, đối với tiền gửi ở ngân hàng, bạn được bảo hiểm bởi một bên thứ ba, nên khi ngân hàng nhận tiền gửi không thể hoàn trả tiền cho bạn thì đơn vị bảo hiểm sẽ lo việc đó.
Điểm khác biệt thứ ba, khi bạn gửi tiền tiết kiệm thì bạn có thể thu về trước hạn. Tất nhiên là bạn có thể bị buộc mất một khoản tiềt phạt nhỏ nhỏ, nhưng vẫn có thể thu tiền về trước hạn. Nhưng nếu bạn mua trái phiếu doanh nghiệp, thì rất khó để bạn có thể thu tiền về trước hạn, trừ khi bạn bán trái phiếu đó cho người khác với điều kiện là trái phiếu đó cho phép chuyển nhượng.
Tóm lại, bạn muốn an toàn thì nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Nếu bạn chấp nhận rủi ro để lấy lãi suất cao thì nên đầu tư vào trái phiếu.
Thời gian vừa qua, có nhiều sự cố liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư gần như bị sụp đổ và tìm đủ mọi cách để đòi lại tiền nhưng chưa thành công. Trong những sự việc như vậy, trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp phát hành, bởi họ đã cố tình vi phạm quy định pháp luật về điều kiện, thủ tục phát hành, về thực hiện các cam kết trong phương án phát hành. Về phía cơ quan Nhà nước, chúng tôi cho rằng, cần có một phần trách nhiệm bởi đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong quá trình kiểm tra, giám sát việc phát hành và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Phía nhà đầu tư cũng phải chịu một phần trách nhiệm, bởi sự chủ quan, lơ là và thiếu hiểu biết cơ bản về trái phiếu và các vấn đề liên quan đến trái phiếu.
Thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phải là sân chơi cho những nhà đầu có trình độ hiểu biết và nhận thức cao bởi tính phức tạp của nó. Tuy nhiên, mặt bằng chung về trình độ của thị trường, cũng như hiệu quả điều hành từ phía cơ quan Nhà nước, hiệu lực của quy định pháp luật còn chưa đáp ứng được so với các yêu cầu của thực tiễn.
Nếu bạn muốn tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm về thị trường vốn, thị trường trái phiếu sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình tìm hiểu thông tin, đưa ra quyết định về việc đầu tư, cũng như quá trình làm việc với doanh nghiệp phát hành.
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco