Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về điều kiện hưởng và thủ tục mua bảo hiểm y tế đối với người có công và thân nhân. Cụ thể như sau:
1. Điều kiện hưởng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với người có công và thân nhân
Căn cứ khoản 3, khoản 11, khoản 12 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, điều kiện hưởng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, cụ thể là được Ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng là thuộc một trong các đối tượng sau:
1.1. Là người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 2012), người có công với cách mạng bao gồm:
• Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
• Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
• Liệt sĩ;
• Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
• Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
• Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
• Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
• Bệnh binh;
• Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
• Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
• Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
• Người có công giúp đỡ cách mạng.
1.2. Là cha đẻ/ mẹ đẻ/ vợ/ chồng/ con của liệt sỹ.
1.3. Là người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.
1.4. Một số đổi tượng khác.
– Là cha đẻ/ mẹ đẻ/ vợ/ chồng/ con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi/ con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học/ con từ đủ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (không bao gồm trường hợp là cha đẻ/ mẹ đẻ/ vợ/ chồng/ con của liệt sỹ đã nêu ở trên).
– Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được hưởng trợ cấp hàng tháng (không bao gồm trường hợp là cha đẻ/ mẹ đẻ/ vợ/ chồng/ con của liệt sỹ đã nêu ở trên).
2. Thủ tục hưởng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với người có công và thân nhân
Căn cứ khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Điều 5, Điều 6 Thông tư số 30/2019/TT-BLĐTBXH, thủ tục hưởng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế đối với người có công với cách mạng và thân nhân như sau:
- Người làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã hoặc người được phân công căn cứ vào Quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với người có công với cách mạng), Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/ danh sách chi trả chế độ đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng (đối với thân nhân người có công với cách mạng) để rà soát, thống kê và lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã duyệt.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã gửi danh sách đã được phê duyệt cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) và cơ quan bảo hiểm xã hội huyện.
- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể tù ngày nhận được danh sách, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội huyện rà soát, kiểm tra danh sách.
Trường hợp phát hiện sai đối tượng hoặc thông tin của đối tượng không đầy đủ, thì cơ quan chuyên môn về lao động cấp huyện chuyển Ủy ban nhân dân cấp xã lập lại danh sách.
- Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội huyện thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng.
Hằng quý, cơ quan lao động – thương binh và xã hội chuyển kinh phí từ nguồn thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nguồn thực hiện chính sách bảo trợ xã hội vào quỹ bảo hiểm y tế vào quỹ bảo hiểm y tế của năm đó. Việc chuyển kinh phí này phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hằng năm.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện chuyển danh sách kèm theo thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng cho Ủy ban nhân dân cấp xã để bàn giao cho đối tượng.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện phải gửi danh sách đối tượng đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện để theo dõi, quản lý.