Thành lập doanh nghiệp và lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Nhu cầu thành lập doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Việc thành lập doanh nghiệp không chỉ giúp nhà đầu tư thực hiện hoạt động kinh doanh của mình một cách chuyên nghiệp, đem lại cơ hội kinh doanh rộng mở trong tương lai mà còn giúp môi trường kinh doanh phát triển. Trước khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm đến rất nhiều yếu tố và tìm hiểu kỹ lưỡng các quy định pháp luật. Bằng bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin thiết yếu về các quy định pháp luật liên quan đến thành lập doanh nghiệp và kinh nghiệm trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp.


1. Những điều cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp


Những nội dung sau đây cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp: Quyền và nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp; Tên doanh nghiệp; Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; Ngành nghề kinh doanh; Vốn điều lệ; Loại hình doanh nghiệp

1.1. Quyền và nghĩa vụ thành lập doanh nghiệp

Tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp không thuộc các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp:

+ Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

+ Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

1.2. Tên doanh nghiệp

– Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng.

+ Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;

+ Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

– Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể từ chối không đăng ký tên doanh nghiệp nếu tên doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tên doanh nghiệp trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

+ Toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp được lấy từ tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

+ Tên doanh nghiệp sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Ngoài các hạn chế trên, mặc dù không được quy định cụ thể, tên doanh nghiệp cũng không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức hoặc cá nhân khác. Trường hợp tên thương mại, nhãn hiệu hoặc chủ dẫn địa lý của một tổ chức hoặc cá nhân đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp không được đặt tên hoặc phải đổi tên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

1.3. Địa chỉ trụ sở chính

Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Địa điểm có thể là một khu vực trong toà nhà văn phòng hoặc một ngôi nhà riêng trong khu dân cư; khu biệt thự. Tuy nhiên, nhà tập thể, nhà chung cư sẽ không được chấp thuận.

1.4. Ngành nghề kinh doanh

Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tổ chức, cá nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp lựa chọn các ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục tiêu để đăng ký. Kể từ thời điểm doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký. Các ngành nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã đăng ký được mô tả trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và ghi nhận trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và quy định tại điều lệ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật trước khi kinh doanh và bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Điều kiện kinh doanh chủ yếu và phổ biến nhất là giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, còn có thể là giấy chứng nhận đủ điều kiện; chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; yêu cầu về vốn pháp định; chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc yêu cầu khác.

1.5. Vốn điều lệ

Để thành lập công ty và vận hành doanh nghiệp; người thành lập doanh nghiệp cần phải có vốn và số vốn này phải được góp vào công ty theo thời hạn đã cam kết góp khi thành lập doanh nghiệp/ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đối với một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định, vốn điều lệ của công ty phải lớn hơn hoặc bằng số vốn pháp định. Ví dụ: Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vốn pháp định là 2.000.000.000 VNĐ.

1.6. Loại hình doanh nghiệp

Phù hợp với số lượng thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp và nhu cầu của các thành viên, tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Từng loại hình doanh nghiệp cụ thể được chi tiết ở phần sau.


2. Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam


Có 04 loại hình doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty cổ phần.

2.1. Doanh nghiệp tư nhân

– Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được thành lập 01 doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên công ty hợp danh.

– Đặc điểm:

+ Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ sở hữu.

+ Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân và chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp, có quyền kiểm soát hoàn toàn đối với hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân.

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp mà không chịu bất kỳ hạn chế nào, các điều khoản và điều kiện của giao dịch bán hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.

+ Doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành chứng khoán (như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác)

2.2. Công ty hợp danh

– Công ty hợp danh là công ty trong đó có ít nhất hai thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, trách nhiệm của các thành viên hợp danh là trách nhiệm liên đới. Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Ngoài thành viên hợp danh, công ty hợp danh có thể có các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Không có giới hạn về số lượng tối đa thành viên hợp danh và thành viên góp vốn.

– Đặc điểm:

+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

+ Mỗi thành viên hợp danh đều có quyền quản lý công ty hợp danh. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý công ty hợp danh.

+ Khi một thành viên hợp danh muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khác (kể cả thành viên hợp danh khác) thì việc chuyển nhượng này cần phải được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

+ Công ty hợp danh không được phép phát hành chứng khoán (như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác).

2.3. Công ty trách nhiệm hữu hạn

– Công ty TNHH gồm hai hình thức là Công ty TNHH MTV và Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Công ty TNHH có thể do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (trong trường hợp Công ty TNHH MTV) hoặc do nhiều tổ chức và cá nhân làm chủ sở hữu nhưng không vượt quá năm mươi chủ sở hữu (trong trường hợp Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp đủ vào doanh nghiệp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty.

– Đặc điểm:

+ Công ty TNHH có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

+ Chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi tài sản của công ty.

+ Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên có toàn quyền chuyển nhượng và định đoạt toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên. Trong trường hợp chuyển nhượng một phần vốn góp, công ty TNHH MTV phải chuyển đổi thành công ty TNHH hai viên viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

Khi một thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì thành viên đó phải chào bán trước phần vốn đó cho các thành viên còn lại. Các thành viên còn lại có quyền ưu tiên mua trong vòng 30 ngày kể từ ngày chào bán và sau đó nếu các thành viên còn lại không mua, thành viên đó có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba cùng với điều khoản và điều kiện đã chào bán cho các thành viên còn lại.

+ Công ty TNHH có quyền tăng vốn điều lệ thông qua việc nhận thêm thành viên góp vốn mới hoặc tăng vốn góp của các thành viên hiện hữu. Công ty TNHH không được phát hành cổ phần.

2.4. Công ty cổ phần

– Công ty cổ phần là công ty có ít nhất 03 cổ đông và không giới hạn về số lượng tối đa của các cổ đông. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập nếu được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty TNHH. Cổ đông chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty hoặc số vốn cam kết góp khi thành lập công ty.

– Đặc điểm:

+ Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp hoặc số vốn cam kết góp khi thành lập công ty

+ Chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi tài sản của công ty.

+ Cổ đông công ty cổ phần được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, trừ trường hợp cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cụ thể:

Trong 03 năm đầu kể từ khi thành lập công ty cổ phần, cổ đông sáng lập không được phép chuyển nhượng cổ phần phổ thông đăng ký mua tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp cho tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông sáng lập trừ khi được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.

Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho tổ chức hoặc cá nhân khác, kể cả chuyển nhượng cho cổ đông khác trong cùng công ty cổ phần.

+ Công ty cổ phần được phép phát hành chứng khoán (như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác).

Rate this post