Thành lập Công ty đứng tên Phó chủ tịch xã thì có bị Luật cấm không?

Thành lập Công ty đứng tên Phó chủ tịch xã thì có bị Luật cấm không, và ý kiến tư vấn của Luật sư về vấn đề này như thế nào?


Tôi hiện đang là Phó chủ tịch xã, và có ý định đứng tên thành lập một Công ty để kinh doanh vật liệu xây dựng. Luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi các thủ tục để thành lập Công ty một cách nhanh nhất.

Quý khách hiện đang là Phó chủ tịch xã và có ý định thành lập một Công ty để kinh doanh vật liệu xây dựng. Quý khách đang có nhu cầu tư vấn thủ tục thành lập công ty để thực hiện kinh doanh.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã do Hội đồng nhân dân xã bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Do đó, quý khách là cán bộ xã theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức. Quý khách không có quyền thành lập Công ty, quản lý Công ty theo quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp và Điều 20 Luật phòng chống tham nhũng.

Trong trường hợp Quý khách cố tình đứng tên thành lập thì có thể sẽ phải chịu chế tài xử lý về mặt hành chính, về mặt đảng và mặt quản lý cán bộ công chức. Bên cạnh đó, Công ty có thể bị rút giấy phép đăng ký doanh nghiệp khi Sở Kế hoạch và Đầu tư phát hiện ra.

Trong trường hợp Quý khách muốn tìm hiểu thêm về thủ tục thành lập Công ty để có sự chuẩn bị cho công việc mới sau khi rời nhiệm sở, thì vui lòng tham khảo thêm các thông tin như sau:

Người tham gia thành lập Công ty có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp gồm: Công ty tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần.

Công ty tư nhân và công ty TNHH một thành viên là loại hình hình doanh nghiệp một chủ sở hữu tức là một cá nhân tự mình bỏ vốn thành lập doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp được tự mình quyết định mọi hoạt động kinh doanh của công ty, tự hưởng lợi nhuận và rủi ro. Đối với công ty tư nhân chủ công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình (kể cả tài sản cá nhân). Khác với công ty tư nhân, chủ công ty TNHH một thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi vốn đã góp vào công ty.

Công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần là loại hình công ty có nhiều chủ sở hữu, tức là quý khách hợp tác cùng các tổ chức, cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp. Cả hai loại hình này đều có chế độ trách nhiệm hữu hạn đối với các chủ sở hữu, tức là chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đã góp vào công ty. Công ty TNHH hai thành viên trở lên được huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức cá nhân khác, tăng vốn của các thành viên. Ngoài các hình thức huy động vốn đó, công ty cổ phần còn có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn cho công ty. Cơ cấu tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên chặt chẽ hơn vì mọi vấn đề hoạt động của công ty đều do Hội đồng thành viên quyết định. Trong khi với công ty cổ phần, bên cạnh Đại hội đồng cổ đông còn có Hội đồng quản trị có thể quyết định những vấn đề quan trọng của công ty.

* Những thủ tục phải thực hiện khi thành lập Công ty

– Nếu quý khách hợp tác cùng các tổ chức, cá nhân khác thành lập Cty thì cần lập Biên bản thỏa thuận góp vốn để tránh tranh chấp (nếu có). Nội dung biên bản bao gồm: Thông tin của các bên góp vốn, Mục đích góp vốn, Số vốn góp, tài sản góp vốn, Thời hạn góp vốn, Nguyên tắc phân chia lợi nhuận, Cam kết của các bên,…

– Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Thủ tục này được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thành phần hồ sơ tùy từng loại hình doanh nghiệp mà quý khách lựa chọn sẽ bao gồm Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo mẫu; Điều lệ công ty; Danh sách thành viên, cổ đông theo mẫu (nếu là công ty có nhiều chủ sở hữu); Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân… Thời hạn giải quyết là trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Để tiết kiệm thời gian đi lại khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập Công ty trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Quý khách hàng có thể nộp hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ như hồ sơ nộp trực tiếp được chuyển sang dạng văn bản điện tử. Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được nhập đầy đủ và chính xác theo thông tin trong các văn bản điện tử. Hồ sơ được xác thực bằng chữ ký số công cộng hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của cá nhân có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được cá nhân này ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, quý khách còn phải thực hiện mở tài khoản của công ty ở ngân hàng, thông báo số lượng và mẫu con dấu với Phòng đăng ký kinh doanh, kê khai thuế môn bài, mua hóa đơn của Cục thuế (nếu công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu) hoặc tạo hóa đơn đặt in (nếu công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế).

Tham khảo thêm:

Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài

Rate this post