Sáp nhập Công ty con vào Công ty mẹ dẫn tới hệ quả là Công ty mẹ trở thành cổ đông của chính mình hay điều chuyển tài sản dưới dạng thu hồi vốn đầu tư. Còn nhiều vấn đề cần tranh luận quanh việc này, và dưới đây là một tình huống mà các Luật sư của chúng tôi mong muốn bày tỏ một góc nhìn.
Việc sáp nhập, chia tách doanh nghiệp bao gồm những nghiệp vụ phức tạp, có thể ảnh hưởng tới cấu trúc mô hình và hiệu quả quản trị, hiệu quả kinh doanh trong thời gian về sau. Các Luật sư của chúng tôi là những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, nên hy vọng có thể giúp quý vị thực hiện giao dịch một cách tốt nhất. Chi tiết liên hệ số điện thoại 0968183786. Email: hanoi@intecovietnam.vn
Tình huống:
Tập đoàn A là công ty cổ phần. Tập đoàn A sở hữu 96% cổ phần trong Công ty B.
Tập đoàn A muốn sáp nhập Công ty B vào Tập đoàn A.
Theo nguyên tắc của sáp nhập, cổ đông của công ty bị sáp nhập (công ty con) sẽ trở thành cổ đông của công ty nhận sáp nhập (công ty mẹ).
Theo quan điểm của kế toán, việc sáp nhập công ty con vào công ty mẹ là việc thu hồi vốn đầu tư nên sẽ không chuyển đổi cổ phần công ty mẹ đang sở hữu ở công ty con thành cổ phần mới mà chỉ chuyển đổi cổ phần theo tỷ lệ 1:1 cho các cổ đông còn lại (có nghĩa mỗi cổ đông của công ty con (trừ 96% của công ty mẹ sở hữu) sở hữu 1 cổ phần ở công ty con sẽ được nhận 1 cổ phần của công ty mẹ sau khi sáp nhập).
Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định cổ đông không được rút vốn đầu tư dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Điều lệ và Quy chế nội bộ của Tập đoàn A, Công ty B cũng quy định tương.
Vậy, 96% cổ phần mà Tập đoàn A đang sở hữu trong Công ty B được xử lý như thế nào khi Công ty B được sáp nhập vào Tập đoàn A?
Ý kiến trả lời:
Nguyên tắc chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập khi sáp nhập doanh nghiệp không đúng trong trường hợp công ty con được sáp nhập vào công ty mẹ.
Điểm a khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Điều 195. Sáp nhập doanh nghiệp
… 2. Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:
a) Các công ty liên quan chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập. Hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập; tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập;…”
Mặc dù không được pháp luật quy định một cách trực tiếp nhưng trên thực tế, có một nhận thức được thừa nhận phổ biến là một nguyên tắc được đưa ra và thừa nhận phổ biến là: khi sáp nhập doanh nghiệp, phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển đổi thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập. Điều này cũng có nghĩa là khi sáp nhập doanh nghiệp, người đang sở hữu phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập sẽ trở thành người sở hữu phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập.
Tham khảo:
Để đánh giá nguyên tắc trên, ta xem xét dưới hai góc độ: pháp luật doanh nghiệp, chứng khoán và pháp luật kế toán:
Dưới góc độ pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán, áp dụng nguyên tắc trên vào trường hợp của Tập đoàn A, khi Công ty B sáp nhập vào Tập đoàn A, cổ phần của Công ty B trở thành cổ phần của Tập đoàn A, Tập đoàn A trở thành người sở hữu số cổ phần được quy đổi tương đương với 96% tổng số cổ phần của Công ty B của Tập đoàn A.
Việc Tập đoàn A là người sở hữu cổ phần của chính Tập đoàn A không phải là không thể xảy ra. Theo khoản 4 Điều 112, khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cổ phần được quyền chào bán nhưng chưa được thanh toán (công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ; hoặc công ty mua lại cổ phần từ cổ đông hiện hữu theo quy định của pháp luật) được coi là cổ phần chưa bán và do công ty nắm giữ.
Tuy nhiên, rà soát quy định của pháp luật doanh nghiệp và chứng khoán cho thấy pháp luật không có quy định rằng phần cổ phần mà công ty mẹ được coi là nhận được khi nhận sáp nhập công ty con sẽ trở thành cổ phần chưa bán của công ty mẹ.
Dưới góc độ của pháp luật kế toán, căn cứ khoản 1.2 Điều 112 Thông tư số 200/2014/TT-BTC, trên bảng cân đối kế toán của công ty mẹ, giá trị các khoản đầu tư vào công ty con được phản ánh tại chỉ tiêu đầu tư tài chính dài hạn (một chỉ tiêu trong cột Tài sản). Điều này có nghĩa là khoản đầu tư vào công ty con được tài trợ bằng các nguồn vốn của công ty mẹ, nói cách khác, phần vốn được sử dụng để đầu tư vào công ty con đã nằm trong cơ cấu nguồn vốn của công ty mẹ.
Giả sử cổ phần của công ty con trở thành cổ phần của công ty mẹ, khi đó, nguồn vốn của công ty mẹ sẽ tăng lên tương ứng với giá trị nhận lại từ việc đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, phần vốn được sử dụng để đầu tư vào công ty con đã nằm trong cơ cấu nguồn vốn của công ty mẹ. Nếu ghi nhận tăng vốn một lần nữa khi nhận sáp nhập, cùng một khoản vốn sẽ được ghi nhận 02 lần, trong khi đó, tài sản không có sự tăng lên. Điều này vừa không đúng bản chất sự việc vừa phá vỡ sự cân đối tài sản – nguồn vốn của bảng cân đối kế toán.
Như vậy, nguyên tắc khi sáp nhập doanh nghiệp, phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập sẽ được chuyển đổi thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập không phù hợp với các quy định khác của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và pháp luật về kế toán.
Cần lưu ý rằng, nhận định nêu trên là nhận định về nguyên tắc thường được thừa nhận, không phải là nhận định về điểm a khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2014 là Quay trở lại việc.
Theo quan điểm của người viết, điểm a khoản 2 Điều 195 chỉ quy định rằng Hợp đồng sáp nhập phải quy định cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập. Vì vậy, trong Hợp đồng sáp nhập, các bên hoàn toàn có thể quy định một trong những điều kiện chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần của công ty nhận sáp nhập là: “phần vốn góp, cổ phần không được sở hữu bởi chính công ty nhận sáp nhập”.
Giá trị phần vốn góp, cổ phần mà công ty mẹ nhận được khi nhận sáp nhập công ty con được xử lý theo quy định của pháp luật về kế toán.
Điểm e khoản 1 Điều 41 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ như sau:
“Điều 41. Tài khoản 221 – Đầu tư vào công ty con
Nguyên tắc kế toán
… e) Trường hợp công ty mẹ giải thể công ty con và sáp nhập toàn bộ tài sản và nợ phải trả của công ty con vào công ty mẹ (công ty mẹ kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của công ty con), kế toán thực hiện theo nguyên tắc:
– Công ty mẹ ghi giảm giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào công ty con;
– Ghi nhận toàn bộ tài sản, nợ phải trả của công ty con bị giải thể vào Bảng cân đối kế toán của công ty mẹ theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập;
– Phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư vào công ty con và giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính”.
Như vậy, khi sáp nhập công ty con vào công ty mẹ, giá trị đã đầu tư được chuyển từ chỉ tiêu đầu tư tài chính dài hạn sang các chỉ tiêu tài sản khác tương ứng (tiền và tương đương tiền, tài sản cố định,…) theo nguyên tắc kế toán. Nguồn vốn của công ty mẹ không bị ảnh hưởng, do đó, sự cân đối tài sản – nguồn vốn của bảng cân đối kế toán được đảm bảo.
Lưu ý rằng, ở trên không xét đến thu nhập của công ty mẹ từ quá trình đầu tư và chấm dứt đầu tư vào công ty con. Nếu có, khoản thu nhập này cũng được hạch toán là doanh thu hoạt động tài chính, có thể dẫn đến làm tăng nguồn vốn thông qua tăng số lợi nhuận chưa phân phối. Phần tăng thêm của nguồn vốn này không liên quan đến vấn đề chuyển đổi cổ phần của công ty con thành cổ phần của công ty mẹ đang xem xét.
Việc không chuyển đổi cổ phần của công ty con thành cổ phần của công ty mẹ không vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“Điều 115. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần…”
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định “rút vốn” nghĩa là như thế nào. Theo quan điểm của người viết, việc cổ đông rút vốn ra khỏi công ty cổ phần chỉ xảy ra nếu công ty cổ phần đó vẫn đang tồn tại và sau khi rút vốn, công ty đó vẫn tiếp tục tồn tại hoặc chấm dứt tồn tại thì cũng không phải là hậu quả trực tiếp của hành động rút vốn. Trong khi đó, khi công ty bị sáp nhập vào công ty khác, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại.
Vì vậy, việc thu hồi lại khoản vốn đã đầu tư vào công ty con không thể coi là hành đồng rút vốn khỏi công ty con mà thực chất là hưởng quyền của cổ đông khi công ty chấm dứt hoạt động.
Quan điểm trên phù hợp với quy định của pháp luật trong một trường hợp tương tự khác khi công ty chấm dứt hoạt động:
“Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông
Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:
… g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;…”
Ngoài ra, đi từ mục đích của quy định cổ đông phổ thông không được rút vốn khỏi công ty cổ phần, trừ trường hợp được mua lại cổ phần, quan điểm của người viết cho rằng, quy định này nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đối với bên thứ ba, phù hợp với đặc điểm “chịu trách nhiệm hữu hạn” của công ty cổ phần (cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp).
Khi công ty mẹ nhận sáp nhập công ty con, toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của công ty con được công ty mẹ kế thừa. Vì vậy, việc thu hồi vốn đầu tư từ công ty con do nhận sáp nhập không mâu thuẫn với mục đích của quy định hạn chế rút vốn khỏi công ty.
Lưu ý, tỷ lệ chuyển đổi cổ phần (đối với các cổ đông khác, không phải công ty mẹ) do công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập quy định trong Hợp đồng sáp nhập (Hợp đồng sáp nhập được các thành viên, chủ sở hữu, cổ đông của các công ty liên quan thông qua), không bắt buộc phải chuyển đổi theo tỷ lệ 1:1.
Tóm lại, theo quan điểm của người viết, giá trị phần vốn góp, cổ phần mà công ty mẹ nhận được khi nhận sáp nhập công ty con không được chuyển đổi thành phần vốn góp, cổ phần của công ty mẹ mà được xử lý theo quy định của pháp luật về kế toán. Việc này không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật doanh nghiệp. Mặc dù vậy, có thể nhận thấy là pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam còn nhiều thiếu sót, dẫn đến những cách giải thích và áp dụng pháp luật khác nhau. Trong khi đó, trong bối cảnh thị trường hiện nay, vấn đề sáp nhập doanh nghiệp xứng đáng có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn.
Lưu ý: Thông tin trên đây là ý kiến của Luật sư thuộc Công ty Luật Inteco liên quan đến một tình huống cụ thể; thông tin trong bài chỉ có tính tham khảo, và không được coi là ý kiến tư vấn của Luật sư và Công ty Luật Inteco. Chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin trái với mục đích tham khảo.