Phó chủ tịch huyện thành lập doanh nghiệp để kinh doanh riêng

Quyền thành lập doanh nghiệp được quy định như thế nào và quy định đó có ngăn cản Phó Chủ tịch huyện góp vốn thành lập Doanh nghiệp hay không?


Chồng tôi hiện đang là Phó chủ tịch huyện A, còn vài năm nữa là sẽ về nghỉ hưu, nên muốn thành lập một Công ty để chuẩn bị thị trường, sau khi chính thức về nghỉ sẽ bước ra kinh doanh, kiếm thêm thu nhập. Luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi các thủ tục thành lập.

Chồng quý khách hiện đang là Phó chủ tịch huyện A, còn vài năm nữa là sẽ về nghỉ hưu nên muốn thành lập một Công ty để chuẩn bị thị trường, sau khi chính thức về nghỉ sẽ bước ra kinh doanh, kiếm thêm thu nhập.

Từ những thông tin mà quý khách cung cấp, chúng tôi hiểu là quý khách đang muốn tư vấn các thủ tục để chồng quý khách – hiện là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A – thành lập doanh nghiệp. Nói cách khác, quy khách cần được tư vấn cụ thể về quyền thành lập doanh nghiệp trong một trường hợp cụ thể. Do đó, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện do Hội đồng nhân dân huyện bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Do đó, chồng quý khách là cán bộ (khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức), thuộc đối tượng không được thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18 Luật Doanh nghiệp và Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng.

Với nhu cầu chuẩn bị thị trường để thuận lợi cho quá trình kinh doanh sau này, quý khách có thể lựa chọn ký hợp đồng hợp tác cùng một đối tác khác để khảo sát và điều tra thị trường. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Khoản 1 Điều 504 BLDS). Ưu điểm của việc hợp tác kinh doanh là quý khách có thể đạt được mục đích điều tra thị trường của mình mà không cần phải thành lập tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, quý khách cần lựa chọn đối tác uy tín và chú ý về các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

Nếu quý khách vẫn có ý định thành lập doanh nghiệp hoặc sau khi nghỉ hưu, chồng quý khách có nhu cầu thành lập doanh nghiệp thì có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau:

* Mô hình công ty 01 chủ sở hữu:

– Công ty tư nhân: Công ty tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Ưu điểm: Loại hình công ty này, chủ sở hữu được toàn quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Cơ cấu tổ chức của công ty do chủ sở hữu tự quyết định phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình.

Nhược điểm: Chủ công ty phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác của công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Nghĩa là khi công ty phá sản, quý khách phải sử dụng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Ngoài ra, khả năng huy động vốn của công ty tư nhân thấp, chỉ có thể thông qua tăng vốn từ chủ công ty hoặc vay từ các tổ chức, cá nhân khác.

– Công ty TNHH 1 thành viên: Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty).

Ưu điểm: Mô hình công ty này có khả năng kiểm soát cao do có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chủ sở hữu được toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty. Tính rủi ro đối với chủ sở hữu không cao vì chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi vốn đã góp vào công ty.

Nhược điểm: Với mô hình này, khả năng huy động vốn cho công ty không linh hoạt vì không được phát hành cổ phiếu; chỉ có tiến hành thông qua huy động vốn góp của chủ sở hữu, phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức, cá nhân khác.

* Mô hình công ty khi hợp tác cùng các cá nhân, tổ chức khác thành lập

– Công ty cổ phần: Công ty cổ phần là loại hình công ty mà vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; có tối thiểu 3 cổ đông, không giới hạn số lượng cổ đông tối đa.

Ưu điểm: Hạn chế rủi ro trong đầu tư cho các nhà đầu tư do cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp. Tức là nếu quý khách chỉ góp 500 triệu vào công ty thì khi có khoản nợ hoặc nghĩa vụ tài chính phát sinh, quý khách chỉ chịu trách nhiệm trả nợ theo tỷ lệ tương ứng với 500 triệu đã góp vào công ty. Loại hình này có khả năng huy động vốn linh hoạt thông qua tất cả các kênh: tăng vốn góp của các cổ đông, vay từ tổ chức, cá nhân khác, phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc niêm yết lên sàn chứng khoán. Cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần mình nắm giữ (trừ một số giới hạn đối với cổ phần của cổ đông sáng lập và cổ phần ưu đãi biểu quyết).

Nhược điểm: Bởi vì có sự tham gia của nhiều cổ đông cùng cơ chế tự do chuyển nhượng cổ phần, vấn đề kiểm soát trong công ty trở nên phức tạp. Thêm nữa, hiện nay, pháp luật quy định trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

– Công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Là loại hình công ty mà thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50.

Ưu điểm: Với loại hình này, các thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp (hoặc cam kết góp trong một số trường hợp) nên hạn chế được rủi ro cho các thành viên. Mô hình này cũng là mô hình dễ kiểm soát số lượng thành viên và tỉ lệ sở hữu vốn góp do thành viên không thể tự do chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác.

Nhược điểm: Việc chuyển nhượng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên được điều chỉnh rất chặt chẽ, chỉ được chuyển nhượng trong các trường hợp luật quy định. Việc quyết định các vấn đề trong công ty phải thông qua Hội đồng thành viên nên có thể hạn chế trong việc ra quyết định liên quan đến hoạt động của công ty. Khả năng huy động vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên cũng hạn chế hơn, chỉ có thể huy động vốn thông qua tăng vốn góp của các thành viên, vay từ các tổ chức, cá nhân khác, phát hành trái phiếu.

– Công ty hợp danh: Là loại hình doanh nghiệp phải có ít nhất 02 cá nhân là thành viên hợp danh (chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung), chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Loại hình công ty này thích hợp với các ngành nghề đòi hỏi trình độ, chuyên môn như luật sư, kế toán, kiểm toán…

Ưu điểm: Chế độ trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh làm tăng sự tin cậy cho các đối tác của công ty, khả năng huy động vốn vay dễ dàng hơn. Việc kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp không quá phức tạp do chỉ thành viên hợp danh mới có quyền quản lý, điều hành hoạt động của công ty.

Nhược điểm: Các thành viên hợp danh chịu mức độ rủi ro cao do phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.

Mỗi loại hình công ty đều có những ưu, nhược điểm riêng. Quý khách có thể cân nhắc, lựa chọn thành lập theo một trong những mô hình phù hợp với nhu cầu của Quý khách.

Trên đây chúng tôi đã phân tích về quyền thành lập doanh nghiệp và một số loại hình doanh nghiệp mà Quý khách có thể tham khảo. Chúng tôi xin lưu ý rằng, tuyệt đối không được tham gia thành lập doanh nghiệp hoặc quản lý doanh nghiệp khi còn là công chức hoặc đang thuộc đối tượng bị cấm tham gia thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp.

* Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Nếu quý khách lựa chọn phương án hợp tác với các tổ chức, cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp thì quý khách cùng đối tác cần lập biên bản thỏa thuận góp vốn để tránh những tranh chấp không đáng có về sau. Biên bản thỏa thuận góp vốn phải có các nội dung chính sau: Thông tin của các bên tham gia góp vốn; Mục đích góp vốn; Số vốn góp và tài sản góp vốn; Thời hạn góp vốn; Nguyên tắc phân chia lợi nhuận; Cam kết của các bên…

Để thành lập doanh nghiệp, quý khách cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư nơi quý khách dự định đặt trụ sở chính của công ty. Thành phần hồ sơ tùy từng loại hình doanh nghiệp mà khách hàng lựa chọn thường bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo mẫu), Điều lệ công ty, Danh sách cổ đông, thành viên theo mẫu (nếu là công ty nhiều chủ sở hữu), Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân (chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân,…)

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khách hàng cần thực hiện một số thủ tục khác theo quy định của pháp luật như:

– Thủ tục thông báo mẫu con dấu với Phòng đăng ký kinh doanh để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo bao gồm: Tên, mã số, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp; Số lượng con dấu, mẫu con dấu, thời điểm có hiệu lực của mẫu con dấu.

– Mở tài khoản của công ty tại ngân hàng: Công ty có tư cách pháp nhân do đó phải có tài sản riêng để hoạt động cũng như chịu trách nhiệm cho các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của công ty. Do vậy, công ty phải có tài khoản được mở tại ngân hàng.

– Thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30 tháng 01 năm sau năm mới thành lập công ty. Hồ sơ khai lệ phí môn bài là Tờ khai lệ phí môn bài theo mẫu. Công ty còn phải thực hiện thủ tục kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

– Công ty còn phải mua hóa đơn của Cục thuế (nếu công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu) hoặc tạo hóa đơn đặt in (nếu công ty nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế).

Như vậy, Quý khách đã nắm rõ một số thông tin về quyền thành lập doanh nghiệp, các mô hình doanh nghiệp và thủ tục thành lập doanh nghiệp. Nếu Quý khách hàng có yêu cầu thêm thông tin, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Rate this post