Với một số ưu thế nhất định, hộ kinh doanh là loại hình được nhiều hộ gia đình, cá nhân thành lập để thông qua đó thực hiện hoạt động kinh doanh của mình. Dù thủ tục thành lập đơn giản hơn so với thành lập doanh nghiệp (nhưng trước khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh, các hộ gia đình, cá nhân vẫn cần lưu ý tới rất nhiều vấn đề. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến quy định pháp luật về thành lập hộ kinh doanh, các loại thuế, phí mà hộ kinh doanh có nghĩa vụ nộp trong quá trình thành lập, hoạt động. Cụ thể như sau:
Nội dung chính
1. Những điều cần lưu ý khi đăng ký hộ kinh doanh
1.1. Quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh
– Quyền đăng ký hộ kinh doanh (HKD): Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ, các hộ gia đình có quyền thành lập HKD, có nghĩa vụ đăng ký HKD và chỉ được đăng ký một HKD trong phạm vi toàn quốc.
– Các trường hợp sau đây không phải đăng ký HKD: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Nếu không thuộc một trong các trường hợp không phải đăng ký HKD, cá nhân, hộ gia đình phải đăng ký HKD theo quy định của pháp luật
1.2. Tên hộ kinh doanh
– HKD có tên gọi riêng. Tên HKD bao gồm hai thành tố: Loại hình “Hộ kinh doanh”; Tên riêng của HKD.
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối đăng ký thành lập HKD nếu tên HKD thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho HKD.
+ Sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên HKD.
+ Tên riêng HKD trùng với tên riêng của HKD đã đăng ký trong phạm vi huyện.
1.3. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
– Chủ HKD chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm.
– Địa điểm kinh doanh của HKD có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi đăng ký tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất, nơi đặt địa điểm thu mua giao dịch. Tuy nhiên, nhà tập thể, nhà chung cư sẽ không được chấp thuận.
– Đối với HKD buôn chuyến, kinh doanh lưu động thì phải chọn một địa điểm cố định để đăng ký HKD. HKD buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh.
1.4. Ngành nghề kinh doanh
– Cá nhân, hộ gia đình đăng ký HKD lựa chọn các ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục tiêu để đăng ký. Kể từ thời điểm HKD được thành lập, HKD chỉ được kinh doanh ngành nghề đã đăng ký. Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
– HKD được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
1.5. Quy mô
HKD chỉ được sử dụng dưới mười lao động, Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
2. Trình tự thực hiện đăng ký hộ kinh doanh
2.1. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh
Hồ sơ đăng ký HKD bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký HKD (theo mẫu Phụ lục III-1 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT)
- Bản sao chứng thực Thẻ căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia HKD/ người đại diện hộ gia đình
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập HKD đối với trường hợp HKD do một nhóm cá nhân thành lập.
2.2. Các bước thực hiện đăng ký hộ kinh doanh
- Bước 1: Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký HKD
- Bước 2: Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
- Bước 3: Chuyên viên tiếp nhận hồ sơ trao Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
- Bước 4: Đến thời hạn tại Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, người nộp hồ sơ đến Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh nhận Giấy chứng nhận đăng ký HKD.
Lưu ý:
Dựa trên kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, tại Hà Nội, việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh phải được kê khai, đăng ký qua mạng trước khi nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Lưu ý: Việc thực hiện đăng ký qua mạng đối với đăng ký hộ kinh doanh khác với đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng và được thực hiện ở hai trang web khác nhau)
3. Các loại thuế, phí hộ kinh doanh phải nộp
3.1. Hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống
– Được miễn nộp lệ phí môn bài.
– Không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
3.2. Hộ kinh doanh có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng
Trường hợp có thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm, hộ kinh doanh phải nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
3.2.1. Về thuế
– Phương thức: HKD nộp thuế theo phương thức khoán thuế (đối với trường hợp HKD không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ).
– Căn cứ tính thuế: căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
+ Doanh thu tính thuế
Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
STT | Lĩnh vực, ngành nghề | Thuế Giá trị gia tăng | Thuế Thu nhập cá nhân |
1 | Phân phối, cung cấp hàng hóa | 1% | 0,5%. |
2 | Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu | 5% | 2% |
3 | Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu | 3% | 1,5% |
4 | Hoạt động kinh doanh khác | 2% | 1% |
+ Xác định số thuế phải nộp
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
3.2.2. Về lệ phí môn bài
+ HKD thành lập mới được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) (chỉ áp dụng đối với hộ kinh doanh được đăng ký mới kể từ ngày 25/02/2020 trở đi)
+ HKD có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng phải nộp lệ phí môn bài theo mức doanh thu như sau:
(i) Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
(ii) Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
(iii) Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Trên đây là một số thông tin cơ bản cần quan tâm trước khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bạn còn bối rối, chưa nắm được rõ các thông tin cần thiết, bạn có thể liên hệ với một Công ty luật tại Hà Nội uy tín để được tư vấn một các chi tiết nhất.