Một số nhận xét về hợp đồng hợp tác kinh doanh


Hợp đồng BCC nên hiểu như thế nào cho đúng


Theo diễn giải tại khoản 9, Điều 3 Luật Đầu tư 2014, thì Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

Theo tinh thần tại quy định này, chúng ta có thể nhận thấy dấu hiệu đặc trưng của loại hợp đồng bcc này là việc các bên không thành lập tổ chức kinh tế. Trong thực tiễn cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, các Luật sư của chúng tôi thường coi đây là dấu hiệu để phân biệt với hợp đồng liên doanh.

Mặc dù cùng là mục đích đầu tư vốn để cùng kinh doanh giữa các nhà đầu tư, nhưng trong trường hợp các bên cùng thống nhất thành lập một công ty mà trong đó các bên ký kết hợp đồng là thành viên góp vốn, cổ đông thì sẽ soạn thảo thành một hợp đồng liên doanh.

Trong hợp đồng liên doanh, có nhiều quy định và nội dung liên quan đến cơ cấu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dự kiến thành lập, quyền và nghĩa vụ của các bên, cơ chế phân chia lợi nhuận và chỉ định nhân sự tham gia điều hành v..v.vv

Tuy nhiên, trong hợp đồng bcc thì không tồn tại yếu tố thành lập pháp nhân chung mà chỉ thành lập Ban điều hành/ Ban điều phối, trong đó cần có một bên sử dụng tư cách pháp nhân của mình để làm đại diện trong các giao dịch dân sự.

Nếu xét về khía cạnh không thành lập pháp nhân chung, thì hợp đồng bcc có điểm tương đồng khá rõ với hợp đồng liên danh. Mặc dù không có quy định pháp luật cụ thể về hợp đồng liên danh, nhưng trên thực tế, thường tồn tại loại hợp đồng này, đặc biệt là trong lĩnh vực về đấu thầu. Điều cần lưu ý khi soạn thảo hợp đồng liên danh, là loại văn bản này thường có tính cụ thể cho một dự án hay một công việc cụ thể và mục đích của việc ký kết hợp đồng là để các bên tham gia vào một công việc cụ thể, dự án cụ thể nào đó. Yếu tố lợi nhuận hay doanh thu thường ít được đề cập đến trong hợp đồng liên danh.

Chúng tôi sẽ quay lại phân tích sâu hơn về hợp đồng liên danh trong một bài viết khác.


Hợp đồng bcc rất rủi ro cho các bên.


Với kinh nghiệm của mình, các Luật sư tại Công ty Luật Inteco đã chỉ ra rằng, Hợp đồng bcc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên. Lý do cho nhận xét này là khung pháp luật hầu như không có.

Ngoài phần định nghĩa về hợp đồng bcc tại khoản 9, Điều 3, Luật Đầu tư 2015, chúng tôi không tìm thấy nhiều quy định về hợp đồng bcc trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Lý do có thể được giải thích một phần là bởi Nhà nước tôn trọng quyền tự do thoả thuận, thương lượng và tự quyết của các bên. Nhà nước không can thiệp vào quan hệ dân sự và thương mại giữa các bên nên không đưa ra các quy định pháp luật cụ thể đối với loại hợp đồng này.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, nếu so sánh với các loại hợp đồng như hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng xây dựng, hợp đồng đấu thầu ….. thì hợp đồng bcc rõ ràng là thiếu cơ chế pháp luật điều chỉnh.

Vấn đề đặt ra, là nếu các bên trong HĐ BCC  có tranh chấp hoặc tồn tại các hiểu khác nhau về một vấn đề trong quá trình thực hiện, nhưng văn bản hợp đồng lại thiếu chi tiết, thiếu các quy định cần thiết thì sẽ xử lý như thế nào.

Điểm cốt tử của loại hợp đồng này là việc các bên không thành lập pháp nhân chung, nên buộc phải mượn tư cách pháp nhân của một bên, do đó, rất nhiều trường hợp, có sự hạch toán nhập nhèm, thiếu minh bạch về tài chính.

Một bên trong HĐ BCC không đại diện giao dịch nên chịu sự phụ thuộc vào bên đại diện và việc các bên thiếu tin tưởng nhau dẫn đến quá trình vận hành khó khăn và tiềm ẩn rủi ro tranh chấp.


Hợp đồng bcc đang bị hiểu nhầm trên thực tế


Chúng tôi cho rằng, HĐ BCC đang bị hiểu nhầm sang hợp đồng liên doanh trong nhiều trường hợp. Nghĩa là, các bên ký kết hợp đồng hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng lại quy định các nội dung về việc góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Trường hợp nhầm lẫn khác là giữa hợp đồng hợp tác kinh doanh với hợp đồng mua bán hàng hoá. Chúng tôi có dịp chứng kiến nhiều văn bản hợp đồng hợp tác kinh doanh nhưng nội dung lại quy định là Bên A bán cho Bên B hàng hoá, máy móc ……. Xét về bản chất thì bên bán và bên mua đang thực hiện một giao dịch hợp tác kinh doanh trong việc mua bán hàng hoá, nhưng về hình thức pháp lý, sự thoả thuận đó là một giao dịch mua bán hàng hoá.

Bộ Luật dân sự có chế định cụ thể về hợp đồng mua bán tài sản. Luật thương mại cũng có nhiều quy định về mua bán hàng hoá và hợp đồng mua bán hàng hoá. Đằng sau hình thức pháp lý như vậy là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh và việc đặt giao dịch đúng hình thức của nó sẽ giúp các bên dựa vào hệ thống quy định của pháp luật để thuận lợi trong quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng và thực hiện hợp đồng.


5/5 - (1 bình chọn)