Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thông qua việc đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp đã có sẵn là một hoạt động đầu tư được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, hình thức này đang được sử dụng như một cách mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài lách luật để đầu tư vào Việt nam trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc cấm nhà đầu tư nước ngoài.
Một số nội dung mà nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện tại Việt Nam như nhận chuyển nhượng và sở hữu đất đai, nhà cửa ở Việt Nam; hoặc một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như phân phối, kinh doanh bất động sản ……. Với các nội dung như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không thể hoặc phải đáp ứng nhiều điều kiện để có thể được kinh doanh tại Việt Nam, nên đã tìm cách lách luật bằng cách mua lại một doanh nghiệp Việt Nam đã có sẵn tài sản/ ngành nghề này và tự mình tiến hành kinh doanh.
Một số đơn vị tư vấn cũng đã tìm cách tư vấn cho khách hàng sử dụng cách này như một chiêu thức lách luật trong thời gian vừa qua dưới hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Tuy vậy, thực sự thì hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài như vậy có thể lách luật được hay không?
Trước hết, chúng tôi phải khẳng định rằng, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt nam bằng cách mua lại phần vốn góp là một trong những hình thức đầu tư nước ngoài đã được Luật Đầu tư 2014 quy định. Tuy nhiên, còn tồn tại những lỗ hổng trong khâu thẩm định và kiểm tra điều kiện đầu tư. Cụ thể, là nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần làm hai thủ tục bao gồm thủ tục đăng ký mua phần góp vốn và thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh là có thể trở thành chủ sở hữu mới của công ty.
Lỗ hổng ở đây là, cơ quan đăng ký đầu tư không thể và không thẩm định tài sản mà Công ty hiện có là gì, nên bỏ lọt rất nhiều tài sản như đất đai, nhà cửa; hoặc không thể thẩm định công ty đang có bao nhiêu cửa hàng kinh doanh bán lẻ, nên chỉ yêu cầu Công ty đáp ứng điều kiện về điều kiện phân phối một cách chung chung.
Nói cách khác, thủ tục về đầu tư gián tiếp nước ngoài không đảm bảo tính chặt chẽ như thủ tục đầu tư trực tiếp và còn tồn tại những điểm hở mà nhà đầu tư nước ngoài có thể sử dụng để lách và tham gia vào thị trường Việt nam mà không phải đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc thực hiện những điều mà pháp luật cấm.
Mặc dù, nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài này để lách luật, nhưng theo chúng tôi, việc lách luật đó chỉ là né tránh được về mặt thủ tục, nên trong quá trình kinh doanh, vẫn có thể bị phát hiện và bị xử lý.
Cần nhắc lại quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư 2014 như sau: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c trên đây thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Như vậy, có thể hiểu, là mặc dù lựa chọn hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua việc mua lại cổ phần, phần góp vốn, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo hình thức đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, vì cơ quan đăng ký đầu tư không thẩm định hồ sơ đáp ứng điều kiện hoặc không có khả năng thẩm định hồ sơ đáp ứng điều kiện nên nhà đầu tư nước ngoài cố tình trốn tránh. Hành vi trốn tránh đó có thể coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm nếu bị phát hiện.
Trong số các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài, thì mỗi hình thức đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Với kinh nghiệm nhiều năm cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt nam, các Luật sư kinh tế tại Công ty Luật Inteco đã hỗ trợ thành công hàng nghìn giao dịch và vụ việc. Tuy nhiên, quan điểm làm việc của chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài nên tránh áp dụng các xảo thuật và chiêu trò lách luật nhằm hạn chế rủi ro trong tương lai.
Sử dụng hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài để lách luật thực chất chỉ né tránh được một phần thủ tục ban đầu, nhưng lại mang lại nhiêu rủi ro trong quá trình hoạt động. Cái giá phải trả chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích đạt được.