Kỹ năng soạn thảo hợp đồng bao gồm tổng hợp các kỹ năng về tư duy pháp lý, kỹ năng về diễn đạt và trình bày ý kiến, kỹ năng viết, kỹ năng áp dụng pháp luật và kỹ năng chiến thuật.
Nội dung chính
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng về mặt tư duy pháp lý
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ liên quan đến một giao dịch cụ thể. Hợp đồng có giá trị pháp lý ràng buộc các bên và sử dụng các quy định pháp luật làm cơ sở nền tảng. Do đó, không thể soạn thảo hợp đồng thành công nếu không có tư duy pháp lý và có kĩ năng vận dụng tư duy đó vào hợp đồng.
Chẳng hạn, trong tư duy pháp lý, thì hành động của các bên luôn tuân theo một chuỗi các sự kiện có tính nghĩa vụ, thực hiện quyền hoặc chịu trách nhiệm. Do đó, bất kỳ hành động nào cũng cần phải được quy về một trong ba nhóm hành động đó.
Hoặc, trong quan hệ pháp lý, không tồn tại các yếu tố tình cảm, nên quy định hợp đồng luôn có tính chặt chẽ, ràng buộc và luôn giả định là một bên có thể vi phạm hợp đồng vào bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào.
Hoặc, tư duy không mâu thuẩn, tức là các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và các điều khoản của hợp đồng không được mâu thuẩn với nhau, trái ngược nhau. Mọi câu chữ hoặc nội dung quy định trong bản hợp đồng phải đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với nhau. Kỹ năng soạn thảo hợp đồng này đòi hỏi người soạn thảo phải có nhiều kinh nghiệm cả về mặt ngôn ngữ, mặt áp dụng pháp luật.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng về mặt diễn đạt và trình bày ý kiến
Mỗi bên trong hợp đồng sẽ có những tập hợp các quyền, các nghĩa vụ khác nhau, nhưng làm thế nào để diễn đàn và trình bày các quyền, nghĩa vụ đó một cách rõ ràng, mạch lạc, hết ý và dễ hiểu lại là một vấn đề không phải ai cũng có thể làm được. Để soạn thảo được một bản hợp đồng chuẩn, Luật sư tư vấn cần có kỹ năng diễn đạt về ý, diễn đạt về câu, từ, ngữ, nghĩa một cách thuần thục.
Bên cạnh đó, bản hợp đồng cũng là kịch bản cho các hành động trong tương lai, và tất nhiên, mọi hành động trong kịch bản đó đều có tính dự liệu. Việc diễn đạt các dự liệu thành ngôn ngữ vừa phải đảm bảo tính chi tiết, khúc chiết, nhưng lại phải đảm bảo tính khái quát cao, không bị liệt kê và bó cứng vào một số hành động cụ thể.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì khách hàng thường chỉ chủ ý đến những vấn đề của hiện tại hoặc tương lai gần, và chỉ chú ý đến những điểm thuận lợi, nên bỏ quên hoặc không muốn đưa những nội dung qua xa về mặt tương lai hoặc không muốn đưa những câu chữ “có vẻ không vui” vào văn bản hợp đồng. Do đó, Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng phải là người có khả năng trình bày các ý kiến của mình với khách hàng và khéo léo đưa vào văn bản hợp đồng, vừa đảm bảo hiệu quả của văn bản, nhưng cũng đảm bảo khách hàng đồng ý.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng về mặt viết lách
Hợp đồng không phải là một bài văn tự do, cũng không phải là một bài báo, mà nó là một văn bản có tính pháp lý. Do đó, người soạn thảo hợp đồng cần có kỹ năng viết lách.
Kỹ năng viết ở đây, không chỉ giới hạn ở việc sử dụng vốn từ, ngữ chuyên ngành pháp lý, mà còn phải hiểu sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn các thuật ngữ trong lĩnh vực chuyên ngành, như xây dựng, năng lượng, chuyển giao công nghệ. Nếu không sử dụng khéo léo, có thể gây nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa. Với các Luật sư có kinh nghiệm, thì trong một bản hợp đồng sẽ luôn có những điều khoản định nghĩa và giải thích từ ngữ hoặc các chú thích về mặt thuật ngữ nếu có những yếu tố chuyên ngành.
Việc trình bày các quy định thành điều, khoản, chương cần theo một trình tự, logic nhất định mà người soạn thảo có ý đồ thiết kế. Đó có thể là trình tự theo sự việc (lắt cắt ngang về thời gian) hoặc theo trình tự về mặt thời gian (lắt cắt dọc về thời gian), hoặc cũng có thể theo nhóm chủ đề về quyền, về nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên.
Nếu người soạn thảo hợp đồng không có kỹ năng tốt, thì sẽ có nguy cơ dẫn người đọc vào một ma trận các quy định chồng chéo, thậm chí mâu thuẩn với nhau.
Kỹ năng soạn thảo hợp đồng về mặt áp dụng pháp luật
Hợp đồng là văn bản có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, được pháp luật và nhà nước công nhận và bảo vệ. Mỗi bản hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nên kỹ năng áp dụng pháp luật là hết sức quan trọng. Kỹ năng áp dụng pháp luật đảm bảo cho bản hợp đồng chọn được đúng cơ sở pháp lý, đúng các quy định trực tiếp tới giao dịch của các bên, và có khả năng sử dụng quy định của pháp luật để bù đắp cho những phần mà hợp đồng không có quy định.