Kiểm tra nhu cầu kinh tế là bước mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phải vượt qua khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ, thành lập cơ sở bán lẻ.
Nội dung chính
Cơ sở pháp lý của yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế
Theo Biểu cam kết dịch vụ – cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, thì trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối sẽ được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Cam kết quốc tế này là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh phân phân phối theo hình thức bán buôn bán lẻ.
Việt Nam đã quy định cụ thể và chuyển hoá cam kết dịch vụ đó thành quy định pháp luật quốc nội bằng Nghị định số 23/2007/NĐ-CP; quyết định số 10/2007/QĐ – BTM và Thông tư số 09/2007/TT – BTM. Trong quá trình thực hiện ENT theo cam kết WTO, Việt Nam đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp là các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài và các các cơ quan, đơn vị liên quan để bổ sung, hoàn thiện quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo hướng nới lỏng và minh bạch hóa việc xem xét, đánh giá của các cơ quan quản lý ở địa phương. Cụ thể Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Ngày 24/12/2013, Bộ tiếp tục ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BCT công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thay thế quyết định số 10/2017/QĐ-BTM…
Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định cụ thể về thủ tục liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ cũng như các nội dung khác liên quan đến thành lập cơ sở bán lẻ. Đây cũng là văn bản mới nhất hiện hành đưa ra các hướng dẫn chi tiết về yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế,
Trường hợp nào phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế
Theo quy định tai khoản 1, Điều 23, Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) là Lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất, trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500 m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
Các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế
Khi thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bán lẻ và xin cấp giấy chứng nhận lập cơ sở bán lẻ cho cơ sở bán lẻ ngoài cơ sởe bán lẻ thứ nhất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế mà Hội đồng ENT sẽ thực hiện gồm:
- Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
- Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
- Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
- Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
- Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể: (i) Tạo việc làm cho lao động trong nước; (ii) Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý; (iii) Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý; (iv) Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Theo quy định Hội đồng ENT trên cơ sở đánh giá tiêu chí ENT quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này phải làm rõ sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó.