Hợp đồng nguyên tắc là một dạng thỏa thuận dân sự nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ có điều kiện để đi tới một thỏa thuận chính thức hoặc cụ thể hơn.
Trong nhiều năm tư vấn pháp luật, các Luật sư tư vấn của chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ý kiến của khách hàng về HĐ nguyên tắc và giá trị của loại hợp đồng này. Do đó, trong bài viết sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm về loại hợp đồng này để quý khách hàng tham khảo.
Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hợp đồng nguyên tắc hoặc rà soát hợp đồng, vui lòng liên hệ trực tiếp theo số Hotline: 0904777169 để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Inteco là một trong số ít các Công ty luật uy tín tại Hà Nội cung cấp dịch vụ tư vấn hợp đồng chuyên nghiệp và nhanh chóng.
Nội dung chính
Hợp đồng nguyên tắc là gì?
Hợp đồng nguyên tắc không phải là một loại hợp đồng cụ thể được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành. Qua khảo cứu tại các văn bản như Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Xây dựng ….., chúng tôi không tìm thấy sự tồn tại của khái niệm HĐ nguyên tắc.
Tên gọi cũng như nội dung của hợp đồng nguyên tắc hoàn toàn do thực tiễn thương mại và hình thành nên do nhu cầu của các bên trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch thương mại.
Bằng kinh nghiệm tư vấn soạn thảo hợp đồng của mình, không chỉ đối với các giao dịch của doanh nghiệp trong nước, mà còn bằng quá trình cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng, Hợp đồng NT là văn bản thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ có tính điều kiện để tiến tới hình thành một giao dịch cụ thể khác trong tương lai.
Bản chất hợp đồng nguyên tắc là một loại giao dịch có điều kiện trong tương lai. Nghĩa là nếu có một sự kiện, hành động cụ thể nào đó trong tương lai phát sinh thì các quyền và nghĩa vụ của các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng NT mới phát huy hiệu lực. Ví dụ: A và B ký kết hợp đồng NT về việc mua bán hàng hóa, theo đó, định kỳ hàng tháng, B sẽ gửi cho A một đơn đặt hàng với các nội dung cụ thể về số lượng, đơn giá, quy cách và địa điểm giao hàng, trên cơ sở đó, A sẽ cung cấp cho B hàng theo đơn. Điều kiện ở đây chính là đơn đặt hàng của B.
Hợp đồng NT cũng có thể là một dạng thỏa thuận đưa ra các cam kết khung, có tính chất bao quát và nguyên tắc để làm cơ sở cho các cam kết khác cụ thể hơn, rõ ràng hơn và đầy đủ hơn trong tương lai. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, các bên chưa đủ điều kiện để ký kết một hợp đồng cụ thể do chưa đủ thông tin, chưa đủ cơ sở pháp lý …..
Ví dụ: hợp đồng nguyên tắc mua bán dự án giữa A và B, trong đó A cam kết bán cho Bên B dự án đang chuẩn bị khởi công làm móng. Lúc này, A chưa thể ký kết hợp đồng bán cho B vì dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng …
Hợp đồng nguyên tắc có giá trị ràng buộc không?
Tính ràng buộc của Hợp đồng nguyên tắc phụ thuộc vào một số cơ sở như sau:
Thứ nhất: các bên có thỏa thuận về khả năng ràng buộc hay không. Hợp đồng là sự tự do thỏa thuận với ý chí tự nguyện, do đó, các bên có quyền xác lập sự ràng buộc hoặc không, các điều kiện ràng buộc và điều kiện được giải phóng khỏi sự ràng buộc, mức độ ràng buộc ….
Trên thực tiễn cung cấp dịch vụ soạn thảo hợp đồng, các Luật sư của chúng tôi đã soạn thảo nhiều hợp đồng rất quy mô nhưng các bên không thỏa thuận về sự ràng buộc. Nghĩa là các quy định trong hợp đồng chỉ giả định về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên, nhưng các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đó không áp đặt lên các bên, không có giá trị trên thực. Thực chất bản hợp đồng chỉ mang giá trị tinh thần, biểu đạt ý chí, nguyện vọng của mỗi bên mà không nhằm xác lập sự ràng buộc pháp lý. Do đó, bất kỳ bên nào cũng có thể từ bỏ hợp đồng mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Trong một trường hợp khác, các bên đặt ra các điều kiện về hành động hoặc về thời gian để các quy định hợp đồng có ràng buộc pháp lý. Ví dụ: Nếu Bên A nhận chuyển nhượng thành công dự án tòa nhà XYZ thì có nghĩa vụ chuyển nhượng lại cho B, nhưng nếu Bên A không nhận chuyển nhượng thành công thì không phải nộp phạt hay chịu trách nhiệm nào với B.
Theo kinh nghiệm, nếu một bản hợp đồng không có bất kỳ thỏa thuận nào về tính ràng buộc thì nó sẽ có ràng buộc. Nếu trong hợp đồng có quy định rõ ràng về việc không ràng buộc hoặc có điều kiện ràng buộc thì các bên sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó.
Thứ hai: Hợp đồng có hiệu lực hay không, cần xem nó có trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không. Một bản hợp đồng nguyên tắc, cho dù các bên có thỏa thuận về tính ràng buộc hay không, nhưng nếu trái pháp luật, đi ngược với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật thì đều không có giá trị. Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là ma túy sẽ không có giá trị trước pháp luật.
Khi nào thì nên sử dụng hợp đồng nguyên tắc
Không phải lúc nào cũng có thể sử dụng hợp đồng nguyên tắc mà loại hợp đồng này chỉ nên sử dụng trong một số trường hợp sau đây:
Thứ nhất: Khi các điều kiện cho một giao dịch chính thức và cụ thể chưa chín muồi, nhưng các bên cần có sự thỏa thuận, xác lập các cam kết về dự định giao dịch và điều kiện giao dịch trước vì các lý do khác nhau.
Thứ hai: Các bên có nhiều giao dịch hoặc giao dịch giữa các bên cần thực hiện trong nhiều lần, mỗi lần có thể phát sinh những điều kiện, nội dung khác nhau. Khi đó, các bên cần ký kết một bản hợp đồng nguyên tắc hay hợp đồng khung cho những nguyên tắc và nội dung chung nhất. Sau đó, cho mỗi giao dịch tại mỗi thời điểm cụ thể, lại lập một phụ lục hợp đồng cụ thể để tiết kiệm thời gian.
Thứ ba: Khi cần chứng minh về sự tồn tại của mối quan hệ tin cậy giữa hai bên với bên thứ ba. Khi đó, hai bên ký kết hợp đồng nguyên tắc để đệ trình cho bên thứ ba (Ví dụ: ngân hàng) để làm bằng chứng về mối quan hệ tin cậy, đảm bảo cho khoản vay hoặc nghĩa vụ khác …..
Thực tiễn luôn phong phú, nên nếu quý khách hàng có những trường hợp khác mà băn khoăn nên sử dụng hợp đồng nguyên tắc hay hợp đồng cụ thể thì có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.
Công ty Luật TNHH Inteco rất hy vọng được hợp tác với quý khách.