Hợp đồng lao động là gì và mẫu HĐLĐ nào phù hợp nhất hiện nay?. Vui lòng đọc bài viết sau đây của chúng tôi.
Nội dung chính
Hợp đồng lao động là gì?
Điều 13, Bộ Luật lao động 2019 định nghĩa “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Định nghĩa này vẫn giữ nguyên như quy định tại Bộ Luật lao động 2012. Tuy vậy, theo quy định mới của Bộ luật lao động 2019, thì “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”. Sự bổ sung quy định mới này nhằm ngăn chặn hiện tượng lách luật trên thực tế, tức là hiện tượng nhiều doanh nghiệp sử dụng các mẫu hợp đồng như hợp đồng dịch vụ, hợp đồng cộng tác viên để thay thế cho HĐLĐ nhằm trốn tránh các nghĩa vụ và phúc lợi xã hội của người lao động, như bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp.
Kể từ thời điểm Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực, bất kỳ hợp đồng nào có 3 dấu hiệu sau đây thì đều bị coi là HĐLĐ: (i) có quan hệ về việc làm, tức là một bên làm việc cho bên còn lại; (ii) có quy định về trả công, trả lương; (ii) có quan hệ quản lý, điều hành, giám sát của bên cung cấp việc làm đối với bên làm việc.
Như vậy, cho dù có ký hợp đồng dưới dạng hợp đồng dịch vụ, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng cộng tác viên, nhưng nếu hợp đồng đó thỏa mãn 3 điều kiện nêu trên thì đều bị coi là HĐLĐ. Nếu một hợp đồng bị coi là HĐLĐ thì bên sử dụng lao động có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật với người lao động, bao gồm các nghĩa vụ như đóng bảo hiểm, trợ cấp, trả tiền làm thêm giờ …..
Các loại hợp đồng lao động và lưu ý
Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019, thì chỉ còn 2 loại HĐLĐ là HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong đó, HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; và HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết.
Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn mà hai bên không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, quy định này có thể hiểu là HĐLĐ xác định thời hạn đã hết hạn mà không được các bên thực hiện thủ tục gia hạn thì sẽ tự động chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là HĐLĐ xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn, trừ HĐLĐ đối với các trường hợp đặc biệt gồm: người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước; người lao động cao tuổi; người lao động là người nước ngoài; người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ.
Các nội dung chính của Hợp đồng lao động
Về mặt kỹ năng soạn thảo hợp đồng thì bạn có thể tùy nghi trong việc bổ sung các điều khoản khác theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, HĐLĐ cần có các nội dung tối thiểu như sau:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của HĐLĐ;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Trên thực tế, các bên cần phải thỏa thuận và ghi bổ sung vào HĐLĐ nhiều điều khoản khác liên quan đến bảo mật thông tin và trách nhiệm của người lao động nếu vi phạm quy định về bảo mật thông tin; về trách nhiệm bồi thường của người lao động nếu có hành vi gây thiệt hại trong quá trình làm việc.
Các vị trí công việc khác nhau cũng dẫn tới việc cần có các quy định bổ sung liên quan đến vị trí công việc. Chẳng hạn: mẫu hợp đồng lao động ký với tài xế sẽ có các điều khoản liên quan đến bảo quản và trách nhiệm đối với phương tiện, về nghĩa vụ thu xếp thời gian làm việc ngoài giờ, về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của tài xế nếu điều kiện xe không theo bố trí của người sử dụng lao động. Hoặc mẫu hợp đồng lao động với kế toán sẽ phải có các quy định về quản lý hồ sơ, nghĩa vụ xuất trình hồ sơ, nghĩa vụ bảo quản token key ….
Nếu bạn có nhu cầu sử dụng mẫu HĐLĐ chuẩn và phù hợp nhất cho từng vị trí công việc, vui lòng liên hệ với các Luật sư của chúng tôi.
Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
HĐLĐ sẽ chấm dứt trong các trường hợp như dưới đây. Các trường hợp chấm dứt khác nhau sẽ dẫn tới các hệ quả pháp lý khác nhau.
Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ.
Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
Hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.
Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định.
Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định.
Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định.
Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ mà kết quả thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.
Bạn có thể liên hệ với các Luật sư của chúng tôi để sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp, chất lượng cao. Giới thiệu về các Luật sư tư vấn của chúng tôi tại đây.
Mẫu hợp đồng lao động
Chúng tôi xin gửi tới bạn một mẫu hợp đồng lao động đơn giản nhất, có thể coi là phù hợp với nhiều loại công việc. Bạn tham khảo và bổ sung thêm các nội dung cần thiết khác với từng vị trí công việc và yêu cầu của doanh nghiệp.
CÔNG TY CỔ PHẦN ……………… —————- Số: ……/2020/HĐLĐ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập- Tự do- Hạnh phúc ===&=&=== Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2020 |
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Chúng tôi,
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG:
Ngày sinh: Giới tính: Nam
Dân tộc: Kinh Quốc tịch: Việt Nam
Hộ khẩu TT:
Chỗ ở hiện tại:
CMND số:
Và
NGƯỜI LAO ĐỘNG:
– Họ tên:
– Giới tính: Nam
– Sinh ngày: Dân tộc: Kinh Quốc tịch: Việt Nam
– CMND số:
– Nơi đăng ký HKTT:
– Nơi ở hiện nay:
Thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động và cam kết làm đúng những điều khoản sau đây:
Điều 1. Thời hạn và công việc hợp đồng
Loai HĐLĐ: Không xác định thời hạn
Thời gian bắt đầu làm việc: Bắt đầu từ ngày
Địa điểm làm việc: Tại trụ sở Công ty và nơi khác theo yêu cầu của Ban giám đốc Công ty, tuỳ vào từng thời điểm
Công việc phải làm: Theo phân công cụ thể của Ban Giám đốc, tuỳ vào từng thời điểm cụ thể.
Điều 2. Chế độ làm việc
Thời giờ làm việc: 40 giờ/tuần
Được cấp phát những dụng cụ làm việc gồm: Bàn ghế, máy tính và thiết bị văn phòng khác.
Điều 3. Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động
Quyền lợi
Phương tiện đi lại làm việc: Cá nhân Tự túc
Mức lương chính hoặc tiền công: Mức lương tại thời điểm ký kết hợp đồng lao động là …………../tháng.
Hình thức trả lương: Trả bằng tiền mặt
Tiền thưởng: Tùy thuộc và doanh thu công ty
Chế độ nâng lương: 3 – 6 tháng/ lần
Được trang bị bảo hộ lao động gồm: theo quy định của pháp luật
Chế độ nghỉ ngơi (nghỉ hàng tuần, phép năm, lễ tết…): nghỉ chủ nhật và các ngày lễ, tết theo quy định của nhà nước.
Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: ……………………….
Chế độ đào tạo: Nếu được công ty cử đi học thì trong thời gian cử đi học người lao động phải hoàn thành khoá học đúng thời hạn, được hưởng nguyên lương và các quyền lợi khác như người đi làm việc, trừ tiền bồi dưỡng độc hại.
Những thỏa thuận khác :
Nghĩa vụ
Hoàn thành những công việc đã cam kết trong hợp đồng lao động;
Chấp hành lệnh điều hành sản xuất – kinh doanh, nội quy kỷ luật lao động, an toàn lao động …;
Bồi thường vi phạm và vật chất.
Điều 4. Nghĩa vụ và quyền hạn của người sử dụng lao động
Nghĩa vụ
Bảo đảm việc làm và thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết trong hợp đồng lao động.
Thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ và quyền lợi cho người lao động theo hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có).
Quyền hạn
Điều hành người lao động hoàn thành công việc theo hợp đồng (bố trí, điều chuyển, tạm ngừng việc);
Tạm hoãn, chấm dứt HĐLD, kỷ luật người lao động theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và nội quy lao động của doanh nghiệp.
Điều 5. Điều khoản thi hành
Những vấn đề về lao động không ghi trong HĐLĐ này thì áp dụng qui định của thỏa ước tập thể, trường hợp chưa có thỏa ước tập thể thì áp dụng quy định của pháp luật lao động.
Hợp đồng lao động được làm thành 02 bản có giá trị ngang nhau, mỗi bên giữ một bản và có hiệu lực từ ngày 04 tháng 10 năm 2011. Khi hai bên ký kết phụ lục HĐLĐ thì nội dung của phụ lục hợp đồng lao động cũng có giá trị như các nội dung của bản HĐLĐ này.
NGƯỜI LAO ĐỘNG |
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG |