Hợp đồng hợp tác kinh doanh là sự thoả thuận giữa hai hoặc nhiều bên để cùng nhau tham gia vào một giao dịch có mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Chúng tôi đưa ra khái niệm này căn cứ vào thực tế hoạt động tư vấn pháp luật tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, định nghĩa của chúng tôi khác với cách định nghĩa tại khoản 9, Điều 3 Luật Đầu tư 2014 về Hợp đồng hợp tác kinh doanh (Hợp đồng BCC).
Theo định nghĩa của Luật Đầu tư 2014 thì “Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế”.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai định nghĩa này là yếu tố thành lập hoặc không thành lập tổ chức kinh tế. Trong định nghĩa của chúng tôi, hoạt động hợp tác kinh doanh có thể có hoặc không có việc thành lập tổ chức kinh tế, nhưng định nghĩa của Luật Đầu tư 2014 xác định là không thành lập tổ chức kinh tế.
Nội dung chính
Vài đặc điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Đặc điểm đầu tiên phải xét đến, đó là một giao dịch dân sự song phương giữa hai bên. Với đặc điểm là giao dịch dân sự thì nó loại trừ khả năng xem xét nó dưới góc độ giao dịch hành chính hay quan hệ về pháp luật hình sự.
Trên thực tế, tồn tại nhiều hợp đồng ký kết giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, với cá nhân khác, như hợp đồng BOT, hợp đồng mua sắm tài sản. Trong trường hợp đó, bên chủ thể hợp đồng là Nhà nước không phải tham gia ký kết hợp đồng với tư cách là cơ quan quản lý hành chính của bên còn lại, mà là một chủ thể thông thường trong giao dịch dân sự.
Và chính vì là một giao dịch dân sự nên cơ sở pháp lý đầu tiên, có tính căn bản là các quy định pháp luật trong Bộ Luật Dân sự.
Đặc điểm thứ hai, hợp đồng HTKD mang đặc điểm chung của hợp đồng, đó là sự tự do thoả thuận, tự do ý chí. Các bên tham gia vào hợp đồng một cách bình đẳng, không phân biệt và không bị ép buộc, không bị lừa dối. Việc các bên ký kết và thực hiện hợp đồng phải dựa trên cơ sở sự hiểu rõ và nắm bắt một cách đầy đủ các quyền, nghĩa vụ pháp lý xác lập trong hợp đồng mà mình được hưởng, có nghĩa vụ phải thực hiện.
Đặc điểm thứ ba, là mục đích tham gia ký kết hợp đồng của các bên là nhằm tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm quyền lợi với kinh tế. Đặc điểm này tạo nên sự khác biệt với các loại hợp đồng phi kinh tế khác như hợp đồng tặng cho, hợp đồng uỷ quyền không có thù lao, hợp đồng hôn nhân ……..
Đặc điểm thứ tư, là trong hợp đồng HTKD, các bên có thể thoả thuận về việc thành lập hoặc không thành lập tổ chức kinh tế chung. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc thành lập tổ chức kinh tế chung, thì hợp đồng hợp tác kinh doanh có nhiều đặc điểm gần giống với hợp đồng liên doanh.
Trong trường hợp hợp đồng hợp tác kinh doanh không quy định về việc thành lập tổ chức kinh tế chung thì hợp đồng này lại có nhiều đặc điểm của một bản hợp đồng liên danh.
Nhận thức đẩy đủ các đặc điểm trên đây, cho dù là Luật sư tư vấn hay chuyên viên pháp chế, bạn cũng sẽ có khả năng soạn thảo hợp đồng HTKD một cách chắc chắn và chính xác về mặt quan hệ pháp luật, các quyền và nghĩa vụ của các bên.
Một số vấn đề về chủ thể hợp đồng hợp tác kinh doanh
Hợp đồng HTKD có thể được ký kết giữa cá nhân và pháp nhân, giữa cá nhân với cá nhân, hoặc giữa pháp nhân với pháp nhân.
Đối với những hợp đồng có chủ thể là các pháp nhân, thì hợp đồng HTKD cũng có thể coi là một dạng cụ thể của hợp đồng thương mại. Trong trường hợp chủ thể của hợp đồng có một bên là thương nhân và bên còn lại không phải là thương nhân nhưng các bên thống nhất áp dụng Luật Thương mại thì hợp đồng này cũng có thể coi là một dạng cụ thể của hợp đồng thương mại.
Trong trường hợp các chủ thể ký kết hợp đồng HTKD không phải là thương nhân, thì bản hợp đồng này thuộc loại gì là điều cần phải trao đổi thêm giữa các nhà nghiên cứu. Không phải là một hợp đồng dân sự thông thường, nhưng cũng không phải là một bản hợp đồng thương mại, bởi chủ thể của hợp đồng không phải là thương nhân, nhưng mục đích của việc ký kết và thực hiện hợp đồng lại nhằm mục đích thương mại.
Một vấn đề khác mà các bên cần chú ý, là trong trường hợp các bên ký kết không quy định việc thành lập một tổ chức kinh tế chung, thì các bên cần lựa chọn và chỉ định một bên đứng ra làm đại diện. Bên đại diện đó sẽ có quyền nhân dân danh các bên để xác lập các giao dịch dân sự và giao dịch kinh doanh thương mại khác với bên thứ ba.
Theo tinh thần quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 thì chủ thể quan hệ pháp luật dân sự chỉ còn là cá nhân, pháp nhân nên việc các bên cử một bên đứng ra làm đại diện cũng có thể hiểu là sự uỷ quyền theo chế định về đại diện theo uỷ quyền mà Bộ Luật Dân sự đã quy định.
Một số loại hợp đồng hợp tác kinh doanh thường gặp
Trên thực tế, một số loại hợp đồng hợp tác kinh doanh thường gặp gồm:
Hợp đồng HTKD mở nhà hàng
Hợp đồng HTKD thành lập công ty
Hợp đồng HTKD phát triển dự án
Hợp đồng HTKD mua đất để xây dựng nhà cho thuê
Hợp đồng HTKD xây dựng công trình
Hợp đồng HTKD mua gia súc để cùng chăn nuôi và bán kiếm lời
Hợp đồng HTKD mua phương tiện vận tải kinh doanh
…..
Trong quá trình thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng, các bên có thể cần tới sự hỗ trợ của một Luật sư kinh tế chuyên về hợp đồng để đảm bảo tính an toàn pháp lý, thông qua dịch vụ soạn thảo hợp đồng chuyên nghiệp.