Hợp đồng góp vốn là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, tổ chức để cùng góp tiền, tài sản khác để cùng nhau thực hiện một hoạt động kinh doanh.
Hợp đồng góp vốn là một thỏa thuận dân sự, nên các bên được quyền tự do đưa ra các cam kết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo ý chí của mình, nhưng không được trái với các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định, không được trái quy định của pháp luật.
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp
Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp có cùng bản chất với hợp đồng liên doanh hay hợp đồng hợp tác kinh doanh mà trong đó các bên cùng thành lập một pháp nhân chung để thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Để tránh tranh chấp về sau, cũng như có cơ sở triển khai nội dung hợp tác một cách cụ thể, thống nhất, các bên cần đưa ra và thống nhất tối thiểu các nội dung gồm:
Mục đích góp vốn: Mục đích không chỉ là thành lập doanh nghiệp, mà là thành lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm gì, hay cung cấp dịch vụ gì, ở đâu, với dự tính về mặt kinh doanh như thế nào. Việc thành lập doanh nghiệp chỉ nên coi là một thủ tục gia nhập thị trường, chứ không phải là mục đích.
Số tiền góp vốn: các bên cần cụ thể tổng số tiền mà mỗi bên sẽ góp, tổng số tiền cần đầu tư vào công việc kinh doanh chung, dự kiến phần vốn cần vay, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên, thời hạn giải ngân, các bước giải ngân và trách nhiệm của mỗi bên nếu không giải ngân vốn góp theo đúng cam kết.
Thực tiễn hành nghề tư vấn pháp luật, các Luật sư kinh tế của chúng tôi đã nhận thấy rằng, đa phần sự rạn nứt quan hệ hay tranh chấp đều liên quan đến việc góp vốn của các bên. Thực tế là các bên rất ít khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo đúng quy định của pháp luật, nên vốn điều lệ của doanh nghiệp thì rất lớn nhưng thực tế Công ty không có tiền. Khi công ty cần vốn, cổ đông vẫn không đóng tiền vào, hoặc người đóng ít, người đóng nhiều gây ra sự bất bình và căng thẳng lẫn nhau.
Phân chia điều hành: Doanh nghiệp mới thành lập là sản phẩm của sự hợp tác giữa các bên, và kể từ thời điểm thành lập doanh nghiệp, thì nó sẽ trở thành độc lập và tồn tại song song với các bên góp vốn và độc lập với cả hợp đồng góp vốn. Mỗi bên góp vốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại Hợp đồng góp vốn, Điều lệ doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp.
Trong hợp đồng góp vốn, các bên cần thỏa thuận cụ thể về quyền của mỗi bên trong việc phân chia quyền điều hành thông qua việc chỉ định thành viên hội đồng quản trị, các vị trí Giám đốc, chủ tịch …..
Trong trường hợp các bên không có sự thỏa thuận, thì sẽ thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014.
Quyền rút vốn: Rút vốn là việc một thành viên góp vốn thoái vốn khỏi Công ty bằng hình thức chuyển nhượng phần vốn của mình cho bên còn lại, hoặc bán cho bên thứ ba khác hoặc yêu cầu Công ty mua lại. Trong một số trường hợp, để đảm bảo các bên nghiêm túc thực hiện mục tiêu của hợp đồng góp vốn, thì việc đưa ra một số hạn chế về quyền rút vốn là cần thiết, và điều này hoàn toàn được pháp luật cho phép. Thông thường, Hợp đồng góp vốn sẽ đưa ra các quy định hạn chế quyền rút vốn trong thời hạn 01 năm đối với các cổ đông/ thành viên sáng lập. Hoặc đưa ra các quy định về nghĩa vụ chuyển nhượng cho bên còn lại để tránh trường hợp có bên thứ ba xâm nhập vào công ty.
Các điều khoản khác quan trọng: Vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn chi tiết.
Xem thêm: Dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài
Hợp đồng góp vốn không thành lập doanh nghiệp
Hợp đồng góp vốn không thành lập doanh nghiệp có cùng bản chất với hợp đồng hợp tác kinh doanh, và các bên thống nhất cùng tiến hành một hoạt động kinh doanh chung, nhưng không thành lập pháp nhân chung.
Do đó, trong hợp đồng góp vốn không thành lập doanh nghiệp, các bên cần quy định một cách rõ ràng các điều khoản tối thiểu như sau:
Tư cách đại diện: các bên tiến hành hoạt động kinh doanh chung mà không thành lập pháp nhân, nên bắt buộc phải có một bên đứng ra làm đại diện và nhân danh tất cả các bên trong các hoạt động giao dịch với bên thứ ba. Trong trường hợp các bên tham gia hợp tác góp vốn có cả tổ chức, cá nhân thì thành viên là tổ chức sẽ thường sử dụng tư cách pháp nhân của mình để nhân danh và đại diện các bên khi ký kết hợp đồng, mua sắm và làm việc với cơ quan Nhà nước ….
Việc nhân danh và đại diện như vậy thường để lại điểm yếu là quyền lực của bên đại diện rất lớn, dễ lấp liếm và che dấu thông tin nhằm tư lợi cho chính bản thân mình. Vì vậy, hợp đồng vóp vốn cần đưa ra các cơ chế kiểm soát và công khai thông tin để đảm bảo tất cả các bên đều có thể tiếp cận và kiểm soát hoạt động một cách bình đẳng, công khai, minh bạch.
Phân chia lợi nhuận: Việc phân chia lợi nhuận sẽ dựa theo tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, vấn đề thường gặp vướng mắc là xác định tỷ lệ trên lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh chung thu lại được hay trên cơ sở nào, bởi các phát sinh liên quan đến cách tính chi phí, khấu hao, thuế và hạch toán sổ sách trong mô hình này không dễ dàng. Các bên cần xây dựng một số nguyên tắc tính toán để vận hành về sau, tránh phụ thuộc vào người điều hành tại thời điểm chia lợi nhuận.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi về hợp đồng góp vốn. Quý khách hàng cần thêm thông tin hoặc muốn sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng chuyên nghiệp, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi.