Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế là quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ năng nên cần có sự tham gia của Luật sư tư vấn có kinh nghiệm. Trong bài viết này, tôi sẽ làm rõ vai trò của Luật sư tư vấn trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại Quốc tế.
Trọng tài thương mại quốc tế là một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế. Nghĩa là các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế thì sẽ không được giải quyết tại Tòa án. Đây là vấn đề quan trọng mà các Doanh nghiệp cần lưu tâm trong quá trình soạn thảo hợp đồng.
Hiện nay, có nhiều trung tâm trọng tài thương mại quốc tế mà doanh nghiệp có thể chọn lựa. Tại Việt Nam, có khoảng 43 Trung tâm trọng tài thương mại. Uy tín và nổi tiếng nhất là Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Bên cạnh VIAC, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại các trung tâm trọng tài quốc tế ở ngoài lãnh thổ Việt Nam như Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm trọng tài thuộc Phòng thương mại quốc tế thế giới (ICC), Trung tâm trọng tài thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong (HKIAC) …..
Vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế thể hiện qua một công việc như sau:
Công việc thứ nhất: Nghiên cứu hồ sơ
Cho dù là Nguyên đơn (Claimant) hay Bị đơn (Respondent) thì việc nghiên cứu hồ sơ là công việc có vai trò quan trọng hàng đầu. Việc nghiên cứu hồ sơ thực hiện cả đối với hồ sơ của Nguyên đơn và hồ sơ của Bị đơn.
Việc nghiên cứu hồ sơ của Claimant nhằm nghiên cứu các lập luận, chứng cứ khởi kiện, cơ sở pháp luật và cơ sở hợp đồng của các yêu cầu khởi kiện.
Việc nghiên cứu hồ sơ của Respondent nhằm đưa ra các lập luận, chứng cứ để phản bác lại các yêu cầu khởi kiện. Trong nhiều trường hợp, Respondent đưa ra các yêu cầu phản tố (Kiện lại) đối với Claimant.
Nhìn chung, việc nghiên cứu hồ sơ nhằm đánh giá được các điểm yếu, điểm mạnh của mỗi bên để lập luận và có giải pháp phù hợp nhằm đệ trình lên Hội đồng trọng tài (Arbitral Tribunal) các yêu cầu một cách hợp lý.
Lưu ý rằng, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại quốc tế, vai trò của Arbitral Tribunal có tính chất trung gian, xúc tiến để các bên đưa ra các lập luận, chứng cứ chứng minh. Tribunal không có quyền lực như Hội đồng xét xử tại Tòa án, nên các Trọng tài viên có xu hướng cân đối và hài hòa lợi ích của các bên. Do đó, nếu bên nào không đưa ra được các lập luận, chứng cứ chứng minh thuyết phục thì bên đó sẽ ở vị thế bị thiệt thòi nhiều hơn.
Trong quá trình hỗ trợ khách hàng, Luật sư sẽ soát xét hồ sơ, thẩm định tính liên quan hay xác đáng (Relevance) của các tài liệu, thông tin để cung cấp cho Hội đồng trọng tài. Việc lựa chọn tài liệu nào cung cấp, tài liệu nào không cung cấp phải tính toán đến yếu tố lợi ích, tổng thể của vụ việc. Bên cạnh đó, Luật sư tư vấn sẽ soát xét các hồ sơ, tài liệu do phía bên kia (Claimant hoặc Respondent) cung cấp để xem xét tính phù hợp, đầy đủ nhằm đưa ra bức tranh rõ nét nhất về vụ việc nhằm tìm ra merit của vụ kiện.
Công việc thứ hai: đàm phán và thương lượng thủ tục tố tụng của vụ kiện
Khác với tố tụng tại Tòa án, thì quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại quốc tế đòi hỏi hai bên cần thống nhất về tiến trình tố tụng (arbitration procedures). Các bên chủ động liên hệ với nhau để lập lịch biểu tố tụng, bao gồm thiết lập lịch biếu (timetable) cho việc cung cấp tài liệu, lịch trao đổi tài liệu và chứng cứ giữa hai bên, lịch phiên xử, địa điểm phiên xử, cơ sở vật chất cho phiên xử (Logistics) …. Trong trường hợp các bên thống nhất, thì các bên cùng đệ trình một thông báo chung (joint communication) tới Hội đồng trọng tài để Hội đồng trọng tài xem xét, chấp thuận. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, trong hầu hết các trường hợp, Hội đồng trọng tài đều chấp thuận nếu như lịch biểu của các bên không bị vượt quá khuôn khổ thời gian vụ kiện mà Ban thư kí trọng tài đã ấn định.
Lưu ý rằng, quy tắc tố tụng của mỗi Trung tâm trọng tài sẽ có sự khác nhau. Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại ở VIAC, SIAC, ICC và HKIAC, cá nhân tôi cho rằng, quy tắc tố tụng trọng tài của ICC khá thông thoáng và linh hoạt nếu các bên muốn chủ động đàm phán và thống nhất lịch biểu tố tụng.
Công việc thứ ba: Chuẩn bị các tài liệu đệ trình lên Hội đồng trọng tài.
Tùy thuộc vào quy tắc tố tụng của mỗi Trung tâm trọng tài mà mỗi bên có thể phải đệ trình các tài liệu khác nhau. Ví dụ: Theo quy tắc của ICC, Nguyên đơn sẽ đệ trình (submission) Văn bản yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Request for arbitration – RFA), sau đó mới nộp hồ sơ khởi kiện (Statement of Claim – SOC), Thư kháng biện (Statement of Rejoinder – SOR), Post -hearing Submission và Cost Submission (Sau khi kết thúc phiên xử). Bị đơn sẽ nộp Bản tự bảo vệ (Statement of Defence – SOD), Thư kháng biện (Statement of Rejoinder), Post-hearing Submission và Cost Submission).
Quá trình chuẩn bị và đệ trình này là sự đấu tranh bằng văn bản giữa hai bên để cung cấp cho các hội đồng trọng tài các lý lẽ và bằng chứng để chứng minh cơ sở pháp luật, cơ sở hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; cũng như bác bỏ các lập luận và bằng chứng mà bên kia đưa ra. Đây là công việc quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần lưu ý để có thể bảo vệ thành công các lợi ích mà mình xứng đáng được hưởng. Các Luật sư tư vấn có kinh nghiệm có khả năng hỗ trợ khách hàng trong công việc này một cách tốt hơn là khách hàng tự thực hiện.
Công việc thứ tư: Tham gia các phiên họp với Hội đồng trọng tài và bên kia
Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại quốc tế, các bên có thể tham gia các phiên họp (như case management conference) để trao đổi các thông tin có liên quan. Các bên có thể thảo luận và tổ chức phiên họp vào bất kì lúc nào và tại bất kì địa điểm nào, với sự tham gia của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, tại các phiên họp như vậy, Hội đồng trọng tài sẽ lắng nghe và đưa ra các quyết định về mặt thủ tục, nhưng không đưa ra các quyết định có tính phân xử.
Công việc thứ năm: Tham gia phiên xử (hearing)
Phiên xử là cuộc họp quan trọng nhất giữa Hội đồng trọng tài và các bên để xem xét và quyết định về nội dung vụ việc. Hội đồng trọng tài sẽ giành cơ hội cho mỗi bên được phát biểu ý kiến của mình, trả lời các câu hỏi của Trọng tài viên và của bên còn lại, đưa ra các câu hỏi đối với Nhân chứng, Chuyên gia.
Mặc dù không có tính căng thẳng và quyết liệt như tại Tòa án, nhưng việc Luật sư tham gia tranh tụng tại Phiên xử là một phần công việc hết sức quan trọng để bảo vệ lợi ích của khách hàng. Ngôn ngữ của phiên xử theo thỏa thuận của các bên, và Luật sư phải thực hiện theo ngôn ngữ mà các bên đã thống nhất.
Công việc sau phiên xử: Sau phiên xử sẽ còn một số công việc cần giải quyết, như chuẩn bị và đệ trình bản Post hearing Submission, Cost – Submission, rà soát lại Phán quyết trọng tài, xem xét và thực hiện các thủ tục liên quan đến hủy phán quyết trọng tài hoặc đề nghị công nhận/ không công nhận cho thi hành án đối với phán quyết trọng tài.
Vai trò của Luật sư tư vấn trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại quốc tế là xuyên suốt, cốt lõi. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò của Luật sư thì vai trò của các Chuyên gia, nhân chứng là hết sức quan trọng. Tôi sẽ quay lại vấn đề này trong một bài viết khác để có thể phân tích sâu hơn.
Tác giả:
Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco
Email: phong.ha@intecovietnam.vn
Điện thoại: 0968183786