Giải quyết tranh chấp có hiệu quả

Giải quyết tranh chấp là quá trình các bên xử lý các mâu thuẩn, xung đột về mặt lợi ích để tìm ra một giải pháp chung hài hoà và phù hợp với quy định pháp luật, thoả thuận đã cam kết giữa các bên thông qua thương lượng hoặc sự hỗ trợ của bên thứ ba như Hoà giải viên, Trọng tài hoặc Toà án.

Vậy làm thế nào để việc giải quyết tranh chấp có hiệu quả?

Theo tôi, có một số bí quyết để giải quyết tranh chấp có hiệu quả như sau:

Thứ nhất, cần xác định đúng nguyên nhân phát sinh tranh chấp.

Thứ hai, cần đánh giá đúng vị thế pháp lý và vị thế kinh tế của mỗi bên trong quan hệ tranh chấp.

Thứ ba, cần có sự tham gia hỗ trợ của Luật sư, chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực chuyên ngành phát sinh tranh chấp.

Một cách tóm tắt, để giải quyết tranh chấp có hiệu quả, thì bên khởi kiện hoặc bên bị kiện cần thiết phải hiểu rõ vị thế của mình trong hợp đồng, có cái nhìn đầy đủ về cơ hội thắng kiện, cơ hội đòi được những lợi ích kỳ vọng, xuất phát từ việc phân tích các quy định hợp đồng, phân tích hồ sơ thực hiện hợp đồng và đánh giá các bằng chứng có trong hồ sơ, phân tích quy định pháp luật. Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, mỗi bên mới đưa ra quyết định việc theo đuổi vụ kiện hoặc chủ động tìm các giải pháp khác hơn có lợi cho mình. Giải quyết tranh chấp có hiệu quả không phải là một lời hứa, sự cam kết mà là sản phẩm của một quá trình đánh giá hồ sơ kết hợp với các kĩ năng tranh tụng của Luật sư trước cơ quan giải quyết tranh chấp.


Tôi sẽ đi sâu vào phân tích các bí quyết nêu trên một cách chi tiết như sau:

Để giải quyết tranh chấp hiệu quả, cần xác định đúng nguyên nhân phát sinh tranh chấp.

Nhìn chung, trong nền kinh tế, không ai mong muốn có tranh chấp xảy ra. Nhưng tranh chấp là một hiện tượng khách quan, xảy ra phổ biến trong nền kinh tế, xuất phát từ nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh cao. Tại Việt Nam trước đây, ít có các tranh chấp phát sinh vì bản tính trọng chữ tình của người Việt Nam, cũng như sự can thiệp và quản lý quá sâu của Nhà nước vào các quan hệ kinh tế. Nhưng từ khi mở cửa và thực hiện nền kinh tế thị trường, quyền tự do kinh doanh được mở rộng, mức độ cạnh tranh giữa các thương nhân ngày càng trở nên quyết liệt, các quan hệ kinh tế thay cho quan hệ tình cảm cảm tính, thì việc các bên xung đột về lợi ích trở nên phổ biến hơn và gay gắt hơn. Đánh giá ở giác độ nào đó về mặt dài hạn, tranh chấp và giải quyết tranh chấp là một biểu hiện phát triển của nền kinh tế thị trường tự do.

Các nguyên nhân phát sinh tranh chấp đến từ một số yếu tố như sau:

Trước hết, do hợp đồng giữa các bên thiếu các điều khoản cụ thể dẫn tới các bên ký kết hợp đồng có những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Hợp đồng là một sự thoả thuận của các bên nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ, nhưng đồng thời là một bản trình bày các quyền và nghĩa vụ theo trình tự cần thiết để mỗi bên thực hiện nhằm hướng tới mục đích giao kết hợp đồng của mình. Trong kỹ năng soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo cần soạn thảo một cách chi tiết, đầy đủ và cụ thể các nghĩa vụ của mỗi bên trong mỗi nội dung cụ thể. Ví dụ: Về vấn đề thanh toán, bên mua có nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn và số tiền theo thoả thuận; bên bán có nghĩa vụ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đúng thời hạn và đầy đủ tài liệu kèm theo (Hoá đơn, biên bản nghiệm thu …).

Yêu cầu đối với một bản hợp đồng chất lượng là có đầy đủ các quy định về quyền, quy định về nghĩa vụ của mỗi bên, và các quyền của bên này tương ứng với các nghĩa vụ của bên còn lại trong cùng một nội dung. Không chỉ quy định các quyền và nghĩa vụ, hợp đồng còn cần có các quy định về thủ tục hưởng quyền, thủ tục thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ: Nhà thầu có quyền được Chủ đầu tư bồi thường thiệt hại nếu bàn giao mặt bằng chậm trễ, nhưng để hưởng quyền này, Nhà thầu cần phải thực hiện thủ tục hưởng quyền, mà cụ thể là phải gửi khiếu nại tới Chủ đầu tư trong thời hạn 28 ngày.

Nếu hợp đồng không có quy định cụ thể, các bên có thể có những cách hiểu khác nhau dẫn tới việc bên đó vi phạm nghĩa vụ hoặc khiến cho bên còn lại vi phạm nghĩa vụ. Ví dụ: Bên mua chưa thanh toán vì cho rằng, bên bán cần gửi hồ sơ đề nghị thanh toán; nhưng bên mua lại cho rằng, mình không cần gửi hồ sơ đề nghị thanh toán.

Nội dung này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế, bởi các bên ký kết và thực hiện hợp đồng ở các Quốc gia khác nhau nên có trình độ nhận thức, thói quen, văn hoá pháp lý và tư duy khác nhau về cùng một vấn đề. Nếu không có những thực tiễn thương mại hoặc tập quán thương mại trong lĩnh vực thực hiện hợp đồng thì nguy cơ các bên hiểu sai nghĩa vụ của mình là rất cao nếu hợp đồng không có các quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, những người tham gia quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng thường khác với những người trực tiếp thực hiện hợp đồng; nên sự chuyển tải thông tin về quyền, nghĩa vụ hợp đồng trong nội bộ của mỗi tập thể có thể khác nhau dẫn tới sự hiểu nhầm về nghĩa vụ của tập thể, nên mỗi người sẽ cách thực hiện khác nhau.

Nguyên nhân thứ hai cần biết khi giải quyết tranh chấp là hợp đồng có những quy định mơ hồ, khó hiểu hoặc có nhiều cách hiểu. Nếu ở nguyên nhân thứ nhất, hợp đồng không có quy định, thì ở nguyên nhân thứ hai này, hợp đồng có quy định nhưng quy định đó được trình bày bằng những câu chữ mơ hồ, khó hiểu hoặc có thể được hiểu theo những cách khác nhau. Ví dụ: hợp đồng quy định “Bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho Bên mua toàn bộ 50% giá trị hợp đồng còn lại ngay sau khi Bên bán giao nốt số hàng còn lại”. Trong trường hợp này, mỗi bên có thể có những cách hiểu khác nhau về cụm từ “ngay sau khi”, vì cụm từ này không thể định lượng được số ngày là bao nhiêu. Bên bán có thể cho rằng, “ngay sau khi” là trong ngày, nhưng bên mua lại hiểu “ngay sau khi” là một tuần vì thủ tục nội bộ của bên mua thường kéo dài ít nhất một tuần để có thể lập uỷ nhiệm chi.

Kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng, là các quy định nên luôn luôn đảm bảo khả năng định lượng, có khả năng xác định một cách cụ thể và chính xác nghĩa vụ của mỗi bên, tránh các quy định định tính và không có khả năng xác định nội dung cụ thể.

Nguyên nhân thứ ba, là khi một bên nhận thức đầy đủ các nghĩa vụ của mình nhưng vẫn cố tình vi phạm hợp đồng để tư lợi. Trường hợp này, vấn đề không phát sinh từ lỗi đàm phán, soạn thảo hợp đồng mà do sự cố tình vi phạm của một hoặc cả hai bên. Theo kinh nghiệm của tôi, trường hợp này thường xảy ra khi bên một tự nhận thấy không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc nhận thấy lợi có thể đạt được khi vi phạm nghĩa vụ lớn hơn lợi ích bị mất do bị phạt vi phạm.

Khi giải quyết tranh chấp, nếu tranh chấp do nguyên nhân thứ nhất hoặc thứ hai thì khả năng giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải là rất cao. Với sự tham gia hỗ trợ của các Luật sư tư vấn, chuyên gia pháp lý, các bên sẽ được giải thích và trở nên nhận thức đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, cũng như nhận thức rõ hơn về hành vi vi phạm của mình, các lợi ích mà mình có thể bị mất nếu không giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm, do đó, khả năng chủ động và tự giác giải quyết tranh chấp sẽ cao hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp tranh chấp phát sinh từ nguyên nhân thứ ba, khả năng các bên nhờ tới sự can thiệp của bên thứ ba có quyền lực như Hội đồng trọng tài hoặc Hội đồng xét xử của Toà án là rất cao, bởi việc thực thi kết quả giải quyết tranh chấp cần có sự cưỡng chế bởi một cơ quan có thẩm quyền.

Theo kinh nghiệm đàm phán, soạn thảo hợp đồng của mình, tôi cho rằng, việc áp dụng một cách hiệu quả các quy định về chế tài vi phạm sẽ là giải pháp để khiến cho bên vi phạm tự giác hơn trong việc thay đổi quan điểm, chủ động tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp.

Để giải quyết tranh chấp có hiệu quả, cần đánh giá đúng vị thế pháp lý và vị thế kinh tế của mỗi bên trong quan hệ tranh chấp.

Về lý thuyết, hợp đồng tạo ra sự cân bằng và bình đẳng giữa các bên về quyền và lợi ích, nhưng thực tế, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một bản hợp đồng bị soạn lỗi, có thể dẫn tới việc quyền lợi của một bên bị thấp hơn bên kia. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện hợp đồng sẽ tạo ra những điều kiện khác nhau trong vị thế của mỗi bên. Ví dụ: tại thời điểm ký kết hợp đồng, Chủ đầu tư đang có tiềm lực mạnh về tài chính, nhưng sau đó gặp khó khăn kinh tế nên đến giai đoạn thanh toán, chủ đầu tư không đủ dòng tiền để thanh toán cho nhà thầu.

Khi đánh giá vị thế pháp lý và vị thế kinh tế của mình, mỗi bên cần lập danh mục cụ thể đối với các nội dung sau: (i) các quyền của mình theo hợp đồng và cơ hội lợi ích có thể đòi bên kia từ việc vi phạm hợp đồng; (ii) các nghĩa vụ hợp đồng của mình và rủi ro mất mát lợi ích nếu bị xử lý do vi phạm hợp đồng; (iii) Các bằng chứng chứng minh vi phạm và rủi ro xuất phát từ hành vi vi phạm; (iv) các bằng chứng chứng minh thiệt hại và rủi ro xuất phát từ việc gây thiệt hại.

Trong nhiều trường hợp, rất thuận lợi để xác định hành vi vi phạm hợp đồng của một bên, nhưng lại rất khó khăn để chứng minh thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm đó, nên việc đưa ra yêu cầu bồi thường cần phải dựa trên hồ sơ chứng minh thiệt hại chứ không phải dựa trên việc xác định được hành vi vi phạm.

Để bảng đánh giá đó có hiệu quả, cần sự tham gia trực tiếp của Luật sư tư vấn có kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp. Không chỉ đòi hỏi Luật sư có kĩ năng trong việc đọc và đánh giá hồ sơ mà đỏi hỏi Luật sư phải có quá trình cọ xát với thực tiễn giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài, nắm vững các án lệ, tiền lệ pháp để hiểu và nắm rõ cách thức mà cơ quan tài giải quyết tranh chấp áp dụng pháp luật và thực tiễn như thế nào.

Cổ nhân có câu rằng, “Biết người biết ta, trăm trận không thua”, và câu này rất hữu dụng khi áp dụng vào quá trình giải quyết tranh chấp; bởi việc rà soát và đánh giá hồ sơ trước khi tham gia vào quá trình tố tụng là nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về điểm yếu, điểm mạnh, cơ hội, rủi ro của mỗi bên khi giải quyết theo con đường tố tụng. Cần lưu ý rằng, việc thắng kiện tại một phiên toà chưa hẳn đã có một kết quả tốt về mặt lâu dài; và chậm chia chưa chắc đã đảm bảo khả năng thi hành án. Điểm cốt lõi mà mỗi bên hướng tới là lợi ích cuối cùng cần đạt được chứ không phải sự cố công theo đuổi một quy trình tố tụng đầy tốn kém.

Để giải quyết tranh chấp có hiệu quả, cần có sự tham gia hỗ trợ của Luật sư, chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực chuyên ngành phát sinh tranh chấp.

Luật sư, chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm không chỉ là người có khả năng hiểu đúng về quy định của hợp đồng mà còn có quá trình trải nghiệm, chứng kiến cách thức một quy định của hợp đồng, quy định của pháp luật được hiểu và vận dụng như thế vào thực tế. Ví dụ: Một doanh nghiệp Nhà nước có thể đòi hỏi nhiều thời gian cho việc thanh toán nếu so với doanh nghiệp tư nhân, vì các thủ tục nội bộ và cách thức làm việc của Doanh nghiệp Nhà nước sẽ có phần quan liêu hơn.

Luật sư tư vấn, chuyên gia pháp lý còn có khả năng đọc, phân tích hồ sơ, có kĩ năng tìm kiếm và xây dựng hồ sơ một cách đầy đủ, toàn diện và bám sát vào các lợi ích mà khách hàng tìm kiếm. Thậm chí, Luật sư tư vấn có kinh nghiệm có thể biết cách hoá giải hoặc làm giảm nhẹ mức độ vi phạm, giảm nhẹ các yêu cầu bồi thường thiệt hại mà bên kia đặt ra cho khách hàng của mình thông qua việc đặt ra các đòi hỏi và yêu cầu về thủ tục, hồ sơ chứng minh mà bên đưa ra yêu cầu cần đáp ứng. Thông qua hoạt động hành nghề của mình, Luật sư tư vấn có thể giúp khách hàng có được một bức tranh tổng thể, toàn diện và chi tiết về tranh chấp và các chiến lược theo đuổi vụ kiện; cũng như khuyến nghị các giải pháp theo đuổi việc giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.

Sự trải nghiệm của Luật sư qua hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn vụ tranh chấp, với những vụ án có mức độ tương đồng cao sẽ là sự tích luỹ về kinh nghiệm để Luật sư giúp khách hàng đánh giá đúng và chi tiết các vấn đề của một vụ án, để từ đó đưa ra chiến lược, sách lược cụ thể khi tham gia giải quyết tranh chấp. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, một quy định pháp luật vẫn có thể có cách hiểu và vận dụng khác nhau ở mỗi cơ quan giải quyết tranh chấp khác nhau. Ví dụ: các Trọng tài viên tại Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế thường có quan điểm đánh giá vụ án có tính bản chất hơn, trong khi Toà án thường chú trọng và các tiểu tiết có tính thủ tục, giấy tờ mà pháp luật đã ấn định.

Lưu ý rằng, mỗi Luật sư tư vấn lại có những sở trường và năng lực khác nhau, phụ thuộc và lĩnh vực mà họ hành nghề. Ví dụ: Có Luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhưng lại thiếu kinh nghiệm cần thiết khi giải quyết tranh chấp về đất đai hoặc hình sự. Do đó, đòi hỏi tiên quyết là khách hàng cần lựa chọn đúng Luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp. Hoặc có luật sư chuyên về mẫu Hợp đồng FIDIC trong xây dựng, nhưng lại thiếu thực tiễn về tranh chấp liên quan đến Sở hữu trí tuệ.

Sự làm việc chuyên nghiệp và kinh nghiệm, kĩ năng của Luật sư, chuyên gia pháp lý là một trong những yếu tố then chốt dẫn tới sự hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp. Suy cho cùng, Nhà nước tạo ra các quyền tự do kinh doanh cho các thương nhân, thì các thương nhân cũng phải chủ động trong việc tìm giải pháp đạt tới lợi ích tốt nhất cho mình trong một vụ kiện, thay vì ngồi chờ cơ quan phân xử làm hộ. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, sự chủ động của mỗi bên trong quá trình theo đuổi vụ việc tranh chấp sẽ có tác động rất lớn đến kết quả cuối cùng, và một bên yếu thế về mặt thực hiện hợp đồng vẫn có thể đạt được kết quả thuận lợi về mặt kết quả giải quyết tranh chấp nếu có các toan tính và chuẩn bị phù hợp, chủ động.


Trên đây là một số chia sẻ của cá nhân về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp hiệu quả. Các bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi để thảo luận và chia sẻ nhiều hơn qua các thông tin liên lạc như sau:

Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco

Email: phong.ha@intecovietnam.vn

Điện thoại: 0968.183.786

5/5 - (2 bình chọn)