Đối thoại tại nơi làm việc!

Đối thoại tại nơi làm việc là một quy định bắt buộc, không phải tùy theo sở thích của chủ doanh nghiệp. Vậy, quy định cụ thể về vấn đề này như thế nào?. Mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi.

Đối thoại tại nơi làm việc là gì?

Theo giải thích tại Điều 63 Bộ Luật Lao động 2019 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), thì “Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi”.

Kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực lao động và quản trị nhân sự của chúng tôi cũng cho thấy, đối thoại tại nơi làm việc là diễn đàn chia sẻ thông tin và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Có thể coi đây là một công cụ và cơ hội hòa giải lao động rất tốt, chủ động phòng ngừa mọi rủi ro phát sinh liên quan đến tranh chấp, mâu thuẩn nội bộ. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, có sử dụng nhiều nhân công, không nên coi thường và bỏ qua thủ tục đối thoại tại nơi làm việc.

Đối thoại tại nơi làm việc có thể tránh đình công bất hợp phápBên cạnh đời sống vật chất, như tiền lương, thưởng, du lịch định kì, thì việc đối thoại sẽ tạo nên đời sống tinh thần cho người lao động, giúp người lao động giải tỏa được những áp lực về mặt tinh thần, bức xúc và căng thẳng không cần thiết, giúp người quản lý doanh nghiệp nắm bắt được những tâm tư, suy nghĩ của người lao động, để từ đó hoàn thiện và cải cách cơ chể quản lý, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của môi trường làm việc.

Chủ doanh nghiệp cũng nhân cơ hội này để bày tỏ những khó khăn, những thông tin về tình hình của doanh nghiệp, những yêu cầu mà doanh nghiệp muốn người lao động chia sẻ, đáp ứng.

Đối thoại tại nơi làm việc cũg là một trong số các biện pháp để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Đối thoại tại nơi làm việc bao nhiêu lần mỗi năm?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 63, Bộ Luật Lao động, thì Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:

Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

Khi có vụ việc gồm: (i) Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 36 Bộ Luật LĐ 2019 (Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc; (ii) Công ty cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; (iii) cần trao đổi về phương án sử dụng lao động khi có thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; (iv) khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; (v) Ban hành quy chế thưởng; (vi) Ban hành nội quy lao động; (vii) khi tạm đình chỉ công việc.

Như vậy, là việc đối thoại tại nơi làm việc là một thủ tục bắt buộc, chứ không phải là mang tính tùy chọn theo quyết định của chủ doanh nghiệp.

Lời khuyên của Luật sư tư vấn cho doanh nghiệp là, thay vì trốn tránh việc đối thoại, thì chủ doanh nghiệp nên chủ động xây dựng lịch biểu và chương trình đối thoại tại nơi làm việc một cách cởi mở để tận dụng hết các khả năng của nó vào việc xây dựng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nếu việc đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện tốt, thì doanh nghiệp sẽ tạo ra được một môi trường làm việc cởi mở, dân chủ, tôn trọng người lao động, nên chắc chắn sẽ là một công cụ thu hút và giữ chân người tài năng.

Quy trình đối thoại tại nơi làm việc như thế nào?

Theo chúng tôi, việc đối thoại tại nơi làm việc cần trải qua một số bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đối thoại

Tổ chức lấy ý kiến của người lao động về những nội dung cần đưa ra đối thoại và quyết định lựa chọn hình thức đối thoại, thông qua: Phát phiếu hỏi, nghe phản ánh của đoàn viên, người lao động, họp công đoàn tổ, bộ phận để tập hợp ý kiến…

Quyết định lựa chọn nội dung đối thoại thông qua việc bàn bạc, lựa chọn, biểu quyết từ các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, đồng thời sắp xếp nội dung đối thoại theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với từng cuộc, hình thức đối thoại, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia đối thoại như: chuẩn bị ý kiến, lập luận, tài liệu liên quan…

Gửi bản đề xuất nội dung đối thoại đến người sử dụng lao động đảm bảo tiến độ.

Sau khi có ý kiến phản hồi của người sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở họp để xem xét, tổng hợp nội dung người sử dụng lao động chấp thuận và chưa chấp thuận, nội dung giải trình… từ đó phân công cho các thành viên tham gia cuộc đối thoại tiến hành chuẩn bị ý kiến phản biện, đặc biệt là những ý kiến, nội dung mà người sử dụng lao động chưa chấp thuận.

Đối với nội dung yêu cầu đối thoại của người sử dụng lao động, chủ tịch hoặc phó chủ tịch công đoàn cơ sở chủ động gặp người sử dụng lao động, trao đổi để thống nhất các nội dung, địa điểm, thời gian, số lượng, thành phần tham gia đối thoại… của mỗi bên và công khai cho tập thể người lao động được biết.

Trước khi cuộc đối thoại tiến hành, chủ tịch công đoàn cơ sở họp các thành viên tham gia, rà soát công việc, nội dung phân công, hoàn thiện các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung đối thoại, chuẩn bị các ý kiến nêu lên và ý kiến phản biện, nhất là các nội dung quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý.

Bước 2: Tiến hành cuộc đối thoại tại nơi làm việc

Tham gia phân công người viết biên bản cuộc đối thoại, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở trình bày nội dung đối thoại, các căn cứ pháp lý, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề người lao động bức xúc… cần thiết phải đưa ra đối thoại để giải quyết.

Trong quá trình đối thoại, các thành viên đại diện cho người lao động, thể hiện tinh thần chia sẻ, hợp tác, nhưng đồng thời quyết liệt, mạnh mẽ, thảo luận để tìm cách giải quyết vấn đề. Trường hợp phát sinh những nội dung mới, những vấn đề ngoài nội dung đã chuẩn bị đối thoại thì đề nghị người sử dụng lao động cho hội ý, trao đổi nội bộ hoặc tạm ngừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp.

Ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc, các thành viên đại diện cho người lao động, công đoàn cơ sở tham gia đối thoại phối hợp với người sử dụng lao động hoàn thiện Biên bản đối thoại, có kết luận về từng nội dung cụ thể, đồng thời đề xuất hướng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại.

Bước 3: Thông báo kết quả đối thoại

Trong thời gian 24 giờ kể từ khi các cuộc đối thoại kết thúc, công đoàn cơ sở thông báo cho người lao động kết quả đối thoại. Trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 48 giờ kể từ khi cuộc đối thoại kết thúc, trong trường hợp trùng vào ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ban chấp hành công đoàn cơ sở lựa chọn hình thức hoặc quyết định thời gian thông báo phù hợp.

Dịch vụ hỗ trợ đối thoại tại nơi làm việc

Các Luật sư tư vấn của chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật lao động, có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị nội dung, chuẩn bị kế hoạch và trực tiếp tham gia buổi đối thoại tại nơi làm việc. Các Luật sư không chỉ tinh thông các quy định pháp luật mà còn có khả năng điều phối, thúc đẩy diễn biến cuộc họp một cách có lợi nhất cho các bên.

Vui lòng liên hệ số điện thoại 0968183786 để được tư vấn và hỗ trợ liên quan đến việc đối thoại tại nơi làm việc nói riêng và tư vấn pháp luật về lao động nói chung.

Rate this post