Đầu tư nước ngoài vào Việt nam và những con số (P1)

Đầu tư nước ngoài vào Việt nam và những con số (P1)

Câu hỏi: Thưa ông, theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 7 tháng đầu năm 2019 cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2019 thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD (8,27 tỷ USD), tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Việc số dự án tăng nhưng số vốn lại giảm (tức quy mô dự án nhỏ đi) đang đặt ra nhiều băn khoăn: Thứ nhất, có phải chúng ta đang thiếu thu hút được những dự án “tỷ đô”, những nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính lan tỏa, và các dự án FDI vào Việt Nam ngày càng “còi cọc”, trong khi nếu là những dự án quy mô nhỏ thì doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có thể làm được. Mặt khác, liệu những dự án nhỏ có đặt ra những quan ngại về vấn đề công nghệ, môi trường… hay không.

Thứ hai, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy mô dự án nhỏ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bằng những dự án nhỏ, chất lượng, tính khả thi cao hơn là đăng ký những dự án “tỷ đô” rồi có khi làm lại dang dở…

Nhìn từ góc độ kinh tế, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào và xin ông có thể phân tích một vài khía cạnh xung quanh các con số về số dự án, số vốn trên?

Trả lời:

Chúng ta đang làm việc trên những con số và biểu đồ về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số liệu này chỉ nên sử dụng để đưa ra những nhận định nếu là con số thật, tức là phản ảnh số tiền đầu tư chảy vào Việt Nam. Con số đăng ký trên giấy tờ không đáng tin cậy, bởi đó chỉ là kế hoạch và là con số ảo trên giấy tờ mà thôi. Chúng ta cần những số liệu có tính thực tế, mà cụ thể là số tiền đã giải ngân là bao nhiêu.

Tôi đã xem báo cáo và thấy rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, nếu nhìn vào con số tổng vốn đăng ký bị giảm thì sẽ dễ nhìn thấy đường đồ thị đi xuống, nhưng nếu nhìn vào con số vốn thực giải ngân sẽ thấy đường đồ thị đi lên.

Tôi muốn dẫn lại số liệu của năm 2018. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/11/2018 thu hút 2.714 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.788,4 triệu USD, tăng 18,4% về số dự án và giảm 20,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, xu hướng tăng về số dự án và giảm về số vốn đăng ký không phải chí có tồn tại ở năm 2019 mà đã xuất hiện trong năm 2018.

Chúng ta thu hút đầu tư và thu hút vốn và công nghệ chứ không thu hút những con số ảo. Do đó, tôi vẫn cảm nhận được sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta. Sự thay đổi của những con số đó vẽ ra cho chúng ta một sơ đồ mà trong đó hướng đi của đường đồ thị tịnh tiến đến đích cần đến, đó là những giá trị thật. Giá trị thật ở đây thể hiện trên một số yếu tố:

Thứ nhất là số lượng tiền thật đưa vào Việt Nam, và thứ hai là hoạt động đầu tư thật của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Số tiền thực tế giải ngân là số tiền thực tế bơm vào nền kinh tế và phản ảnh giá trị thật mà chúng ta có thể nhận được. Tôi cho rằng, con số như vậy, đang phản ảnh thực chất hơn những gì mà chúng ta có và chúng ta muốn hướng tới.

Ở một góc độ khác, chúng ta cũng có thể cảm nhận được một số ý nghĩa khác. Đó là Việt Nam đã mở cửa thị trường hơn 10 năm (tính từ khi gia nhập WTO) và thị trường Việt Nam đã đi vào giai đoạn chính chắn hơn, có chọn lọc hơn và Nhà nước ngoài cũng đã hiểu hơn về thị trường Việt Nam. Cũng có thể, thị trường Việt Nam đã khó khăn hơn cho những kế hoạch mở đại nhà máy bởi tiềm ẩn sự thiết hụt về mặt nhân lực, quá tải về mặt hạ tầng, thiếu hụt về công nghiệp phụ trợ ……

Và hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đã đầy đủ hơn, hiệu quả hơn trong việc thu hút và quản lý hoạt động đầu tư của Nhà nước ngoài. Tất cả những yếu tố này đều là những điều mà chúng ta cần lưu tâm để có kế hoạch phát triển cho những năm tới.

Sự thiếu vắng những dự án tỉ đô là do chúng ta đang quá tải chứ không phải nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đã hết. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải đưa vào Việt Nam những dự án với quy mô khiêm tốn hơn.

Tôi tin rằng, nếu Việt Nam cứ muốn tiếp nhận thêm những dự án tỷ đô thì chúng ta sẽ bị bội thực và nghẽn phát triển bởi dung lượng của chúng ta không đủ lớn để có thể tiếp nhận quá nhiều đại dự án.

Khôi Anh

Công ty Luật TNHH Inteco

Rate this post