Chuyển nhượng công ty và những điều cần lưu ý

Chuyển nhượng Công ty được thực hiện khi các cổ đông hoặc thành viên góp vốn chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu đối với cổ phần hoặc phần vốn góp của mình sang cho các cổ đông, thành viên góp vốn mới.


Vài lưu ý khi chuyển nhượng Công ty

Việc mua bán doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là việc mua bán cổ phần, phần vốn góp rồi làm thủ tục đăng ký kinh doanh là hoàn tất. Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, thủ tục đăng ký kinh doanh

Ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân, các loại hình doanh nghiệp còn lại như Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh đều là những pháp nhân độc lập, nên việc chuyển nhượng Công ty không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ đối với bên thứ ba, mà chỉ làm thay đổi chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ví dụ: Doanh nghiệp A ký hợp đồng thi công xây dựng công trình với Doanh nghiệp B. Sau khi hoàn tất chuyển nhượng công ty, toàn bộ cổ đông cũ của doanh nghiệp A thoái vốn và thay thế bằng các cổ đông mới. Tuy nhiên, hợp đồng giữa Doanh nghiệp A và Doanh nghiệp B vẫn còn tồn tại, và hai bên vẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ như đã quy định tại hợp đồng. Các cổ đông mới của Doanh nghiệp A không được quyền từ chối thực hiện hợp đồng đã ký với Doanh nghiệp B.

Do không làm thay đổi tư cách pháp nhân, nên kể cả khi chuyển nhượng thì các quyền và nghĩa vụ của Công ty không thay đổi. Do vậy, đối với bên mua, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

(i). Trước khi quyết định mua lại Công ty, cần thực hiện việc thẩm định pháp lý, tài chính, tài sản của Công ty để xác định chính xác các khoản nợ, gánh nặng và nghĩa vụ trước và tại thời điểm chuyển nhượng. Việc thẩm định này không chỉ đảm bảo bên mua có quyết định chính xác nhất về việc có nhận chuyển nhượng Công ty hay không mà còn quyết định vấn đề về giá chuyển nhượng, về ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với các nghĩa vụ còn tồn đọng của doanh nghiệp. Trong đa số các trường hợp chuyển nhượng Công ty, các chủ sở hữu cũ vẫn phải gánh trách nhiệm đối với một số nghĩa vụ của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng. Những nội dung như vậy, cần đưa vào hợp đồng chuyển nhượng.

Gợi ý:

Bên mua hoặc bên bán có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các Luật sư tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Hiện có khá nhiều Công ty luật tại Hà Nội và Công ty luật tại Tp. Hồ Chí Minh có thể cung cấp dịch vụ này nên bạn có thể tìm hiểu kỹ để lựa chọn. Tuy nhiên, không phải Luật sư nào cũng có thể cung cấp dịch vụ thẩm định một cách đảm bảo, bởi mỗi Luật sư sẽ có lĩnh vực hành nghề khác nhau. Luật sư tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các bên soạn thảo hợp đồng và vạch ra lộ trình thực hiện các công việc một cách phù hợp nhất.

Nếu bạn có nhu cầu tìm Luật sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn mua bán sáp nhập doanh nghiệp, có thể tham khảo thêm đội ngũ Luật sư của Công ty Luật Inteco tại đây.

(ii). Việc chuyển nhượng Công ty không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhưng có ảnh hưởng rất lớn tới cán bộ, nhân viên của Công ty. Do đó, cùng với kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp, các bên cần có một kế hoạch sử dụng nhân sự một cách hợp lý, tránh trường hợp gây hoang mang, dao động tâm lý hoặc chảy máu chất xám. Mặc dù đây không phải là vấn đề có tính pháp lý, nhưng là vấn đề thực tiễn mà chúng tôi thường gặp.

(iii). Sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng (hoặc khi đủ điều kiện theo hợp đồng chuyển nhượng), bên mua tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng thành viên để bầu lại các chức vụ quản lý Công ty, như thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch …… Các thủ tục nội bộ này là cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đảm bảo sự an toàn trong quản trị nội bộ của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về việc chuyển nhượng đối với Công ty cổ phần, Công ty TNHH và Công ty hợp danh; và chỉ có quy định về bán doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

Việc chuyển nhượng doanh nghiệp đối với các loại hình Công ty cổ phần, Công ty TNHH và Công ty hợp danh được thực hiện theo thủ tục chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp.


Xem thêm: Hướng dẫn chuyển nhượng dự án


Hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng Công ty

Về mặt nguyên tắc, khi có sự thay đổi các nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Như tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật ….), thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Khi có sự thay đổi về: (i) Ngành, nghề kinh doanh; (ii) Cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết; (iii) Nội dung khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, khi thực hiện việc chuyển nhượng, Công ty phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp liên quan đến việc thay đổi thành viên góp vốn đối với Công ty TNHH. Đối với Công ty cổ phần, trong thời gian 03 năm tính từ ngày thành lập, thì doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục thông báo, sau 03 năm kể từ ngày thành lập thì chỉ cần làm thủ tục chuyển nhượng nội bộ và lưu hồ sơ theo quy định mà không cần thông báo, đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh (chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp …), vui lòng xem hướng dẫn chi tiết của chúng tôi tại đây.

Lưu ý: Các nội dung trên đây chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước. Nếu việc chuyển nhượng liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì thủ tục sẽ có một vài điểm khác nên chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.

Rate this post