Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài có phải chịu thuế hay không?

Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài có phải chịu thuế hay không, và quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào?. Vui lòng tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.


Tóm tắt: Công ty K quốc tịch Hàn Quốc thành lập Công ty V tại Việt Nam (công ty TNHH MTV) để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Công ty V hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và muốn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Sau khi Công ty V nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác của Công ty, Công ty V có một khoản lợi nhuận sau thuế. Công ty V chuyển toàn bộ/một phần khoản lợi nhuận sau thuế này cho Công ty K.

Lưu ý, trong trường hợp chủ sở hữu của Công ty V không phải Công ty K mà là một cá nhân thì pháp luật về thuế thu nhập cá nhân sẽ được áp dụng, khi đó, các ý kiến dưới đây sẽ thay đổi.  

Ý kiến: 

Khoản lợi nhuận mà Công ty K nhận được là tiền lãi cổ phần và Việt Nam có quyền đánh thuế theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam không quy định đánh thuế đối với khoản thu nhập của doanh nghiệp là thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp khác. Do đó, hiện tại, Công ty K không phải nộp thuế đối với khoản thu nhập nêu trên.

Khoản lợi nhuận Công ty K nhận được phân loại là tiền lãi cổ phần trong các quy định về tránh đánh thuế hai lần.

– Khoản 3 Điều 10 Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc về việc tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (sau đây gọi là “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần”) quy định:

“Điều 10. Tiền lãi cổ phần: 

… 3. Thuật ngữ ”tiền lãi cổ phần“ được sử dụng trong Điều này có nghĩa là thu nhập từ cổ phần hoặc các quyền lợi khác không kể các khoản nợ, được hưởng lợi tức, cũng như thu nhập từ các quyền lợi công ty khác cũng chịu sự điều chỉnh của chính sách thuế đối với thu nhập từ cổ phần theo các luật của Nước nơi công ty chia lãi cổ phần là đối tượng cư trú”.

– Điều 15 Thông tư số 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam (sau đây gọi là “Thông tư số 205/2013/TT-BTC”) cũng giải thích:

“Điều 15. Định nghĩa tiền lãi cổ phần: 

Theo quy định tại Hiệp định, tiền lãi cổ phần là khoản tiền được trích từ thu nhập sau thuế của các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần trả cho các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ đông của công ty cổ phần, khoản tiền được trích từ thu nhập sau thuế của doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trả cho bên nước ngoài, thu nhập từ các hoạt động đầu tư (gián tiếp) ở nước ngoài (không kể thu nhập là lãi từ tiền cho vay quy định tại Mục 5, Chương II, Thông tư này) của các đối tượng cư trú Việt Nam, và thu nhập được chia từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam được Nước ký kết xử lý thuế như tiền lãi cổ phần”.

Trong trường hợp này, khoản lợi nhuận mà Công ty K nhận được là khoản tiền được trích từ thu nhập sau thuế của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trả cho bên nước ngoài. Vì vậy, khoản lợi nhuận mà Công ty K nhận được từ Công ty V được coi là tiền lãi cổ phần (chuyển lợi nhuận ra nước ngoài).

Tiền lãi cổ phần mà Công ty K nhận được thuộc nhóm thu nhập mà Việt Nam có quyền đánh thuế với mức thuế suất tối đa là 10%

Khoản 2 Điều 10 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần quy định:

“Điều 10. Tiền lãi cổ phần:  

… 2. Tuy nhiên, những khoản tiền lãi cổ phần đó có thể bị đánh thuế tại Nước ký kết nơi công ty trả tiền lãi cổ phần là đối tượng cư trú và theo các luật của Nước đó, nhưng nếu đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng tiền lãi cổ phần thì thuế được tính khi đó sẽ không vượt quá 10 phần trăm tổng số tiền lãi cổ phần.  Khoản này sẽ không ảnh hưởng tới việc đánh thuế công ty đối với khoản lợi tức được dùng để chia tiền lãi cổ phần”.  

Trong trường hợp này, Công ty V (công ty trả tiền lãi cổ phần) là đối tượng cư trú của Việt Nam, vì vậy, khoản tiền lãi cổ phần mà Công ty V trả cho Công ty K có thể bị đánh thuế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do Công ty K (đối tượng nhận) là đối tượng thực hưởng tiền lãi cổ phần nên thuế suất không vượt quá 10%.

Hiện tại, Việt Nam không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của doanh nghiệp được chia từ hoạt động góp vốn sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, hiện tại, tiền lãi cổ phần mà Công ty K nhận được không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam. Tức là không có quy định về đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

– Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 205/2013/TT-BTC quy định:

“Điều 16. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lãi cổ phần  

…3. Trường hợp một đối tượng cư trú nhận được tiền lãi cổ phần mà pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam không quy định thu thuế thu nhập đối với loại thu nhập này hoặc thu thuế với một mức thuế suất thấp hơn quy định tại Hiệp định thì đối tượng có thu nhập sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định tại pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam.  

– Khoản 6 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 quy định:

“Điều 4. Thu nhập được miễn thuế  

…6. Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”.

Trong trường hợp này, khoản lợi nhuận mà Công ty K nhận được là thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn. Pháp luật Việt Nam không quy định thu thuế thu nhập đối với loại thu nhập này tại. Do đó, hiện tại, mặc dù Việt Nam có quyền đánh thuế nhưng Việt Nam không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản lợi nhuận mà Công ty K nhận được.

Nhận định trên cũng phù hợp với quy định của Thông tư số 186/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tổ chức, cá nhân nước ngoài có lợi nhuận từ việc đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư.

Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 186/2010/TT-BTC quy định:

“Điều 3. Xác định số lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài  

Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với (+) các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang; trừ đi (-) các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Theo đó, khoản tiền có thể bị trừ khỏi số lợi nhuận sau thuế được phép chuyển ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ bao gồm các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Có thể thấy đây là các khoản xuất phát từ quyết định của chính nhà đầu tư chứ không phải theo yêu cầu của pháp luật hay cơ quan nhà nước Việt Nam.


Trên đây là một số ý kiến tham khảo. Lưu ý: Đây không phải là ý kiến tư vấn pháp luật chính thức của Công ty Luật TNHH Inteco, nên chúng tôi không chịu trách nhiệm về việc bạn sử dụng hay viện dẫn các nội dung nêu tại bài viết này. Nếu bạn cần ý kiến tư vấn, vui lòng liên hệ trực tiếp với các Luật sư tư vấn của chúng tôi theo số điện thoại 0968183786

Rate this post