Cần tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận dòng đầu tư nước ngoài

Cần tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt…

Đó chính là khuyến nghị của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp nhằm hạn chế, đẩy lùi gian lận xuất xứ tại Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang tăng cường phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế

Để ứng phó, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực do ảnh hưởng của xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cũng như ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm việc, trao đổi và đề nghị các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, cùng hành động.

Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời, chủ động có phương án phối hợp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với ngành hàng trong bối cảnh nêu trên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các doanh nghiệp.

“Cần tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, đón nhận những dòng đầu tư từ nước ngoài, hướng tới làm ăn bàn bản, chân chính, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước”, Bộ Công Thương cho hay.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; chú trọng đào tạo cán bộ nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về C/O để các cán bộ trong doanh nghiệp mình biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O.

Đầu tư kinh phí thích đáng cho việc nghiên cứu cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, nghiên cứu các yêu cầu và tiêu chuẩn xuất xứ của từng khu vực thị trường cụ thể, nắm bắt rõ các thông tin về các mặt hàng và các thị trường được hưởng thuế ưu đãi.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy mở rộng mối quan hệ kinh doanh, thương mại với các đối tác thuộc các nước cho hưởng ưu đãi cho phép sử dụng tiêu chuẩn xuất xứ nước bảo trợ hoặc với các nước được hưởng ưu đãi khác trong cùng khối kinh tế ASEAN để tăng hàm lượng nội địa khu vực được các nước cho hưởng ưu đãi áp dụng theo tiêu chuẩn xuất xứ cộng gộp.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Rate this post