AI thay thế Luật sư có thể là một hiện thực trong tương lai gần hay không? Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét và đánh giá bằng việc phân tích công việc của một Luật sư tư vấn pháp luật.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Nói đúng hơn là cách mạng công nghệ lần thứ nhất) đã tiến thêm những bước rất xa với sự xuất hiện và phát triển của AI. Chưa bao giờ, ranh giới giữa con người và máy móc lại có thể mờ nhạt đến như vậy, mờ nhạt đến mức mà nhiều cuộc tranh luận đã xảy ra về khả năng AI thay thế con người trong các hoạt động lao động, đặc biệt là lao động trí óc.
AI cũng dẫn chúng ta đến những cuộc tranh luận về việc các Luật sư có thể bị thay thể bởi AI hay không. Việc tranh luận không chỉ phản ánh sự mong đợi vào năng lực của AI, mà còn thể hiện sự lo lắng và quan ngại về một sự biến động và dịch chuyển lớn trong cơ cấu thị trường lao động.
Điều đáng nói, công nghệ AI phát triển rất nhanh, nhanh đến mức mà mỗi người trong số chúng ta có thể chịu ảnh hưởng trong thời gian gần trước mắt mà không cần phải chờ đến thế hệ sau; nên chúng ta có rất ít thời gian để điều chỉnh và thay đổi. Nỗ sợ về việc AI thay thế Luật sư có thể diễn ra trong một thời gian rất ngắn vẫn đang thường trực trong tâm trí nhiều người hiện nay.
Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, AI hoàn toàn có khả năng nhiều công việc có tính lặp đi lặp lại cao, nên các Luật sư cũng sẽ phải chia sẻ nhiều công việc của mình với AI.
Như đã trình bày, hoạt động tư vấn pháp luật tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức tư vấn quy định pháp luật đơn thuần; nghĩa là người tư vấn trình bày và giải thích, làm rõ các quy định pháp luật. Ví dụ: Luật sư thường được hỏi các câu hỏi đơn thuần như: Thuế thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần là bao nhiêu? Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không? Nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản hay không? Với hình thức tư vấn pháp luật đơn thuần này, AI hoàn toàn có khả năng thay thế Luật sư, bởi việc trả lời các câu hỏi này chỉ đơn giản là sắp xếp, trích dẫn và trình bày lại các quy định pháp luật thực định, một công việc mà AI có thể làm tốt hơn rất nhiều so với con người.
Bên cạnh hình thức tư vấn pháp luật đơn thuần, thì một số công việc khác mà Luật sư vẫn thường làm, như soạn thảo hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính, kê khai báo cáo thuế, rà soát văn bản và hợp đồng, due dilligence (Thẩm tra pháp lý), soạn thảo văn bản và hợp đồng đơn giản …………… sẽ bị AI thay thế nhanh chóng. Nói cách khác, AI thay thế Luật sư trong một số công việc cụ thể là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Câu hỏi đặt ra, là những công việc nào của Luật sư mà AI không thể lấy đi? Đó sẽ là những công việc có tính phức tạp cao, gắn liền với thực tiễn của từng vụ việc.
AI thực chất vẫn là một cỗ máy, có khả năng tổng hợp thông tin, phân tích thông tin và đưa ra các thông tin mới trên cơ sở suy luận từ thông tin cũ. AI có thể thông minh hơn cả con người trong một số trường hợp nhất định, nhưng AI không phải là con người nên không thể có những thực tế của con người, đặc biệt là với thực tiễn thay đổi và biến động liên tục.
Hành nghề trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, mỗi Luật sư đều có nhận thức sâu sắc về sự đa dạng của thực tiễn. Mỗi ngày, xã hội của chúng ta phát sinh hàng nghìn vụ việc và tất cả vụ việc đó đều không giống nhau ở tính chất, mức độ, diễn biến, nên sẽ không có công thức nào chung để giải quyết tất cả các vụ việc đó. Do đó, AI khó có khả năng giải quyết vụ việc một cách hiệu quả bởi nó thiếu một thứ quan trọng mà nó cần phải có để làm việc, đó là dữ liệu đầu vào tương ứng.
Thực chất, công việc tư vấn pháp luật của các Luật sư phức tạp hơn nhiều người đang hình dung. Luật sư không chỉ là người tư vấn pháp luật đơn thuần, tức là chỉ trả lời các câu hỏi về pháp luật thực định. Trách nhiệm chính của Luật sư là phải đưa ra được các phân tích, nhân định và đề xuất giải pháp cho một vụ việc thực tế trên cơ sở quy định pháp luật, hoàn cảnh của khách hàng và kinh nghiệm cọ xát nhiều năm của mình. Luật sư phải là người đưa ra nhận định vụ việc thực tế (thông qua các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng, lời khai …) có phù hợp với quy định trong cơ sở pháp lý hay không, mức độ phù hợp hay không phù hợp, các chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm. Cơ sở pháp lý không chỉ bao gồm pháp luật thực định (Pháp luật do Nhà nước ban hành) mà còn bao gồm quy định hợp đồng (do hai bên thoả thuận) và các thực tiễn giữa hai bên trong quan hệ hợp đồng. Trong khi pháp luật thực định là nguồn dữ liệu đầu vào ổn định và chi tiết thì nguồn quy phạm hợp đồng lại rất khác nhau trong mỗi vụ việc, bởi không có hợp đồng nào quy định giống hợp đồng nào. Cho dù nhập nội dung hợp đồng vào AI để làm dữ liệu đầu vào thì các bên vẫn còn có cách giải thích, hiểu khác nhau về một nội dung đã quy định trong hợp đồng hoặc những nội dung mà hợp đồng không quy định.
Trong số các tham số của phương trình nêu trên, vụ việc thực tế không tạo ra cho AI nguồn giữ liệu giống nhau; hoàn cảnh của khách hàng cũng không giống nhau; cơ sở pháp lý khác nhau nên không tạo ra cho AI nguồn giữ liệu giống nhau. AI thay thế Luật sư khó có khả năng xảy ra khi nó không thể giải một phương trình mà các tham số không phải là một hằng số.
Bên cạnh đó, đối với các công việc tranh tụng tại Toà án hoặc Trọng tài, hoặc các công việc liên quan đến đại diện ngoài tố tụng như hoà giải, đàm phán ……….. có tính chất tương tác giữa người với người, đòi hỏi sự sắc bén và linh hoạt của những người tham gia, không có dữ liệu đầu vào cụ thể. Những công việc như vậy, đòi hỏi cần có trí tuệ, kinh nghiệm cọ xát và cách thức làm việc có tính “con người” hơn là cỗ máy có tính khoa học cao nhưng cứng nhắc và rập khuôn.
Nói tóm lại, AI thay thế Luật sư, trong nhiều việc truyền thống của các Luật sư, nên sẽ thu hẹp và giành mất nhiều phần công việc của Luật sư, đặc biệt là các Luật sư thiếu kinh nghiệm và trình độ yếu. Tuy nhiên, AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của các Luật sư, mà thậm chí là còn tôn vinh, nâng cao vai trò của Luật sư, giúp ích cho Luật sư rất nhiều trong các công việc của mình. Để không chịu nguy cơ bị AI thay thế Luật sư, các sinh viên, Luật sư mới vào nghề cần trang bị cho mình kiến thức tốt hơn, đặc biệt là cần nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu pháp luật để chủ động thích ứng với tình hình mới.
Ls. Hà Huy Phong